NGÀY CỬ HÀNH LỄ PHẬT ĐẢN TRÊN THẾ GIỚI
Theo sự thỏa thuận chung của các giáo hội Phật Giáo trên thế giới, ngày lễ Phật Đản cũng được gọi là ngày Vesak hay Wesak, ngày Đản Sanh của Đức Phật. Đó là một ngày lễ lớn được tất cả Phật tử khắp nơi trên thế giới cử hành thật long trọng. Ngày lễ này thật ra không chỉ để tưởng niệm ngày Đức Phật đản sanh, mà còn bao gồm cả ngày Đức Phật thành đạo (nirvana) và nhập Niết Bàn (Parinirvana) trong một ngày.
Ngày Phật Đản hay Vesak thay đổi mỗi năm theo âm lịch. Do có nhiều khác biệt giữa các nền văn hóa Phật giáo trên thế giới, ngày Vesak được cử hành vào những ngày khác nhau theo truyền thống văn hóa của mỗi nước. Trong kỳ Đại Hội Phật Giáo Thế Giới tại Sri Lanska vào năm 1950, Vesak đã được quy định là ngày cử hành Đại Lễ Phật Đản. Trong kỳ đại hội này Môn Phái Phật giáo Đại Thừa ở Nepal đã đề nghị tất cả các quốc gia có tín đồ Phật Giáo hãy chọn ngày trăng rằm đầu tiên trong tháng Năm là một ngày lễ chung, đặt tên là Vesak để tôn vinh Đức Phật, Đấng Pháp Vương của hòa bình và hòa hợp. Ở Trung Hoa Đại Lục và Hong Kong ngày Phật Đản được cử hành vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch.
Trong ngày lễ Phật Đản các chùa chiền đều trang hoàng với các cờ phướn và hoa tươi đủ loại. Các Phật tử phải vân tập về các chùa từ sáng sớm tinh mơ. Nghi thức cử hành bao gồm những lễ nghi như chào cờ Phật Giáo và lễ tắm Phật. Chư Tôn Đức tụng kinh cúng dường Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Vào buổi chiều tối, lễ diễn hành thắp nến được tổ chức ở ngay ngoài đường.
Đức Phật đã dạy rằng cách duy nhất để cúng dường Chư Phật là thành tâm học hỏi và thọ trì giáo lý của ngài. Như vậy, mục đích duy nhất của lễ Vesak là thực tập tình thương yêu, hòa bình và hòa hợp. Trong lễ hội Vesak người ta thường làm những việc thiện như bố thí cúng dường, tổ chức hiến máu, phân phát quà và thức ăn cho người nghèo, phóng sinh, ăn chay v.v..
Lưu Ly trích dịch