Cảm niệm Hòa Thượng Thích Quảng Thanh
Tôi có cơ duyên đến chùa Bảo Quang từ những năm đầu của thập niên 1990. Lúc ấy chùa còn là một ngôi nhà nhỏ ở trên đường Magnolia thuộc thành phố Garden Grove. Trước đó tôi cũng có đi vài chùa nhưng không có ý định ngừng lại ở một ngôi chùa nào. Nhưng khi đến chùa Bảo Quang tôi cảm thấy một sự ấm cúng, một không gian thoải mái đầy tính nghệ thuật, khiến tôi biết rằng đây chính là một nơi chốn để trở về, như một mái nhà thân thương để buông xả những phiền não trong cuộc sống áp lực bên ngoài. Thầy là một thi sĩ, một nhà văn, còn tôi lúc ấy đang bắt đầu nghiên cứu học Phật nên cũng hay dịch một số bài viết, những lời Phật dạy hoặc sách của các bậc cao tăng thiện tri thức ngoại quốc bằng tiếng Anh sang tiếng Việt. Thế là từ đó tôi có báo Trúc Lâm để đăng tải những bài viết của mình, và cũng giúp thầy Nhuận Hùng trong việc đánh máy hay biên tập tờ báo.
Những gì tôi đóng góp cho chùa Bảo Quang thật là nhỏ nhoi, nhưng tôi nghĩ rằng, được gặp thầy là một nhân duyên lớn trong đời sống của mình. Bởi vì không mấy khi ta gặp được một nhân vật kỳ tài kiệt xuất trong cái thế giới nhỏ bé của cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại. Đại đa số chúng ta đến và đi trong thế gian này như giấc mơ, chẳng để lại dấu vết gì, nhưng có những người xuất hiện trong cuộc thế để lại những ấn tượng, những di sản cho đời sau, mà khi những người ấy đi rồi không ai có thể thay thế họ được nữa. Thầy Quảng Thanh mất đi rồi, không bao giờ còn có được một người như thầy Quảng Thanh nữa. Thầy đến trong cuộc đời không chỉ với những ước mơ bình thường, mà mang một đại nguyện, một chí lớn làm những việc không ai làm nổi. Đến Mỹ với bàn tay trắng, thầy đã gây dựng được từ một ngôi nhà nhỏ khiêm nhường ở ven sông đến một cơ đồ lớn nguy nga, một trung tâm tu học, văn hóa nghệ thuật và xã hội. Đó là niềm hãnh diện cho cộng đồng Phật giáo nói riêng cũng như đồng hương Việt Nam nói chung. Có lẽ tôi chưa bao giờ được thấy một đám tang lớn như vậy, với thật đông người đi dự thương tiếc như vậy. Đó là bởi vì, ngoài những tài năng có sẵn, thầy còn có một tấm lòng độ lượng, một bầu nhiệt huyết luôn lan tỏa, ảnh hưởng đến người chung quanh. Ngay cả khi thầy đang bị cơn bệnh hoành hành trong những ngày tháng cuối cùng, thầy vẫn giữ thái độ thản nhiên bình tĩnh, vẫn đôn đáo lo mọi công việc tới nơi tới chốn.
Thầy đi là một mất mát lớn không gì có thể thay thế được. Nhưng là những người học Phật, chúng ta cũng biết rằng sinh tử là lẽ thường của cuộc đời, và tuy thầy đã xả bỏ báo thân nhưng thầy vẫn luôn hiện hữu với chúng ta qua di sản của thầy để lại. Di sản ấy không chỉ là vật chất, mà còn là tinh thần dâng hiến cho đời, cho Đạo. Di sản ấy phải được tiếp nối và bảo tồn để không phụ lòng những hi sinh to tát của vị ân sư chúng ta.
Trong những ngày buồn này, tôi nhận được một bài thơ rất hợp tình hợp cảnh của thầy Thích Tánh Tuệ, và tôi xin mạn phép được trích lại một vài đoạn sau đây, như một lời an ủi.
Ta đến nơi đây đã mấy lần
Nổi chìm, tan biến tựa phù vân
Chỉ là hiện hữu rồi.. vô nghĩa?
Nằm xuống, vương mang khối nghiệp trần..
Có kẻ chết đi vẫn sống hoài
Trong lòng nhân thế chẳng phôi phai
Bởi tâm hi hiến cùng nhân loại
Người ấy ra đi vẫn.. sống dài..
Thực vậy, thầy Quảng Thanh đã ra đi, nhưng thầy vẫn sống mãi trong tâm tưởng chúng ta, bởi những gì thầy đã đem lại và dâng hiến cho cuộc đời.
Ngọc Bảo
Ngày 14 tháng 6, 2019