- Đỉnh Bình Yên Trong Thơ Thanh Trí Cao
- Sự Có Mặt Của Thiền Trong Dấu Ấn Nghệ Thuật 2
- Dấu Ấn Trên Dòng Thời Gian Trong Thơ Thanh Trí Cao
- Hương Thơm Gió Lạ
- Cuối Đường Ngôn Ngữ Những Thinh Âm Bất Tuyệt
- Cuộc Rong Chơi Thong Thả
- Lối Về Hoa Nở
- Lạy Phật Con Đã Về
- Trên Đỉnh Hư Vô Hoa Cười Gió Hát
- Hương Thiền Nhẹ Rơi
- Tình Quê Tình Nước, Tình Đạo Tình Đời
- Mùa Hoa Vô Ưu Nở
- Cánh Nhạn Vượt Trời Không
Hương thiền nhẹ rơi
Dòng cảm xúc vẫn miên man tuôn đổ, bản trường ca vô tận điệp khúc lên đường réo gọi chuyển hóa cõi nhân sinh, dòng tuệ giác vẫn miệt mài sáng soi cuộc lữ, ngôn ngữ thiền soi tỏ cõi sắc không, từng lời thơ ngọt lịm đêm ngày tưới tẩm tin yêu trong cõi vô thường biến động. Còn đó, tình người tình đạo, hương hoa một thuở, gọi bình minh, đợi gió cuốn, vọng ngày về. Nhìn con nước lặng trôi thuở hồn hoang xa vắng, mộng ngày qua ước nguyện chốn miên trường, người đứng lặng giữa hai bờ réo gọi, một làn hơi hóa kiếp lạc loài. Nghe đâu đó từng lời ca điệu nhạc, ru đưa ta về từng bến đổ nhẹ ước mong, nghe đâu đây hương thiền một thuở, thắm đượm vào hồn đến tận mai sau.
Bài thơ Trăng Ngủ Trong Mây cũng là tựa đề của một thi phẩm
Thương dĩ vãng bụi trần hội tụ
Uống sương mù rong ruổi nghìn thu
Vàn sao rụng bởi nhiều mơ mộng
Tìm được gì sau bước chu du
Nếu không đến đường về vô nghĩa
Mấy lần đi sao hãy còn đi
Bao lâu nữa nhận mình lữ khách
Để không còn đối diện tử thi
Rồi những lúc hoa tàn trên áo
Hoàng hôn buồn quá khứ vùi sâu
Một lần tỉnh suối nguồn giao cảm
Hiện hữu nào cũng rất nhiệm mầu
Lời thơ, đi từ hóa thân huyễn mộng bỗng trở về thênh thang lộng gió, từng con chữ từng lối đi, từng ngôn ngữ thắp sáng đường về, mở ra cánh cửa không môn, cao cao thênh thang lồng lộng. Nếu không gõ cửa thì làm sao cửa mở, không đánh mạnh vào thì làm gì có tiếng vang, không đi không đến thì có lối nào để về để tới, nhưng nếu đã đi đã bước, sao lại còn phải đi phải bước nữa? Tại vì, ta đi chưa đúng nhịp, đi nhưng chưa một lần đến, đi nhưng chưa một lần thực sự cất bước, đi nhưng với hành trang trĩu nặng, chất đầy vướng bận âu lo, từng hơi thở với bao lụy phiền đớn đau bao phủ ngập lối. Đi như thế, đồng nghĩa chưa hề đi, chưa hề lên đường đúng nghĩa, chưa hề cất bước thật sự. Đi như thế, thì làm sao đến được bến bờ giác ngộ, nếu không chuẩn bị hành trang kỷ lưỡng, con đường đi tới ấy chẳng dễ đi chút nào. Ta hãy đọc tiếp.
Từ tác ý nghìn muôn sắc thái
Thịt da nào cũng rướm thương đau
Sao không nghĩ mình là tất cả
Cùng cỏ cây làm kiếp thi hào
Những ước mơ vùn vụt dâng cao
Dòng sông nào chuyên chở biết bao
Trong hư vô âm thanh còn đó
Hãy tìm về chớ hẹn kiếp sau
Ai đã thấy đời cần quên lãng
Vì uống nhiều chất liệu đắng cay
Tìm trốn chạy hẳn đời thêm khổ
Hãy tin rằng: Trăng ngủ trong mây.
Trên đường tìm về thực tại, hiện thực ở đây và bây giờ, một sự lộ nên trông thấy đúng nghĩa. Có là tang thương rách nát, có là hy vọng tràn trề, có là tỏa sáng niềm tin, có là lên đường chuyển hóa. Có là sinh động nhất như, có sao thấy vậy, thấy sao nói vậy, có là có có không không, thực tại của như thật. Hay cái thực tại ấy, là do ta nhẩy vào níu kéo, lôi nó ra phơi bày giải phẫu, kéo nó ra tưới tẩm muôn màu? Cho cùng, vẫn là một thực tại của riêng chính nó, thuộc tính của nó, của chính cái dòng biến hiện vô cùng ấy, một sự đánh động hiển bày, một sự biến hiện từ cảnh đến tâm, một sự nhận thức linh hiện tròn đầy.
Ấy vậy, lắm lúc nhuốm màu xót thương da diết, đôi khi thắm đượm cõi lòng có không một dạo, thỉnh thoảng riêng mình một cõi có không đi về, một sự rối ren không lời đưa tiễn. Trăng và nước, gió và mây, thiên nhiên và con người, mộng và thực, ai còn mộng, ai đang ở cùng mộng, ai đang sống với cái hiện tiền, ai trông thấy được một thực tại huy hoàng lộng lẫy sắc hương?
Bài thơ: Thực Tại
Nơi bất tận âm thanh còn đó
Cõi vô cùng cung điệu thương thương
Đôi mắt này mặt trời biển cả
Sóng ngàn khơi hát khúc chân thường
Đâu vĩnh viễn chiều tan ước vọng
Thực tại này ngày tháng đủ rồi
Ai thắc mắc quê hương của biển
Mây lững lờ thấp thoáng xa xôi
Lũ chim hót không hề mong đợi
Gió đong đưa cũng chẳng hoài mong
Vết tích cũ phôi pha chìm lặng
Nơi kho tàng một cõi trống không
Không theo đuổi tinh khôi ảo ảnh
Không đi tìm kỷ niệm xa vời
Biến cố nào cũng là kinh nghiệm
Hãy bình tâm mấy nẻo rong chơi.
Em đứng đợi vườn hoang màu phố thị, giọt sương khuya ướt đẫm bờ vai gầy, đôi mắt biếc khép hồn trong cõi mộng, từng ngày qua lạc lối chốn thần tiên. Khung trời cũ nắng vàng trôi lơ lửng, người bước đi hoa nở miền tịch dương, em là thực mộng cho ngàn sau đứng đợi, khu rừng mơ lay động chốn càng khôn.
Tuổi thần tiên đôi cánh tung bay, thiên đường một thuở chạy quanh lối cũ, cõi mộng mơ tủi phận mình nhẹ bước, cho nghìn nay nối lại với nghìn sau, cho nước mắt rụng xuống hồn tê tái. Lên đường đi em cuộc chuyển hóa truân chuyên, trút phiền muộn xuống rồi buông với bỏ, cho yêu thương chắp nụ đóa từ bi, cho trí tuệ đong đầy trên muôn vạn lối, cho ngàn thông reo lý tưởng đẹp đón chào, cho bình minh rực rỡ nắng vàng soi lối, cho đạo vàng muôn thuở khúc hoan ca.
Bài thơ: Lên Đường
Em là mộng cho vàng mơ lai vãng
Buổi thanh xuân cắn bút tủi phận mình
Nhưng em ơi! chiếc lá vàng rụng xuống
Thông điệp này đến tận cõi vô minh
Buổi sớm mai nụ cười đẹp nhất
Một bông hoa không ý trang đài
Những hạt sương không mang tình thức
Rồi bỗng dưng biến mất hình hài
Cười đi em cõi đời huyễn mộng
Vết lưu đày năm tháng không đâu
Những diệu vợi thôi đừng tính toán
Em hãy nhìn những chuyện bể dâu
Ai bảo em thiên đường khép kín
Không vui lòng nhìn nhận kẻ đa mang
Phút ăn năn cho muộn phiền trút hết
Cánh cửa nào cũng rộng thênh thang
Em hãy đến một cõi lòng bình lặng
Đừng thương vay chuyện cũ qua đường
Thương tích cũ chỉ là kinh nghiệm
Thực tại này ai kẻ đáng thương
Từ vạn kiếp như nước hằng lưu chuyển
Lúc ngỡ ngàng tơ tưởng chuyện thân thương
Nơi đáy mắt vô biên nguồn sức sống
Em vui lòng và tiếp tục lên đường.
Lời thơ chân tình mộc mạc, đẹp và dễ thương, nhẹ nhàng sinh động, tỉnh thức an lành, linh hiện trãi bày. Từng lời thơ miên man bước nhẹ thấm vào hồn, đem lời ca điệu nhạc, dâng hương sắc đến cho đời.
Bài thơ Thiền Hành, đã được phổ nhạc.
Sáng nay ta thiền hành
Hương lòng quyện chung quanh
Tiếng suối reo êm ả
Màu trời đẹp thiên thanh
Sáng nay ta thiền hành
Biêng biếc rừng thông xanh
Con chim oanh nói pháp
Từng bước trong an lành
Sáng nay ta thiền hành
Sương mù còn long lanh
Con đường nhiều “sen búp”
Dâng cúng Phật chân thành.
Mùa Vu Lan hiếu hạnh lại trở về, mùa của tình mẹ nghĩa cha rộng sâu như núi cao biển cả. Trong cuộc đời nầy có một người lúc nào cũng tự nguyện phục vụ hiến dâng, nhưng không cần đáp trả. Một người lúc nào cũng lo lắng chu toàn cho con nhưng không một lời than vãn, đó là người mẹ, và có một thứ tình thiêng liêng cao cả, không gì mua sắm, đổi chác so sánh được, đó là tình mẹ. Tình yêu thương đó không bến bờ giới hạn, cân đo, không gì sánh được ơn nghĩa sinh thành, công ơn dưỡng dục. Làm sao cho tròn hiếu đạo, hỡi những người con, xin đừng làm cho cha mẹ đau lòng xót dạ. Cúi đầu lạy tạ thâm ân cha mẹ, ơn thầy tổ, những bạn hữu tốt lành, tạ ơn đời, ơn người và ơn tất cả chúng sanh.
Bài thơ: Mẹ Là Phật đã được phổ nhạc, ở đó tình mẹ được chắp cánh hóa thân, là suối nguồn thậm thâm vi diệu, tấm lòng bao dung độ lượng không hề vơi, còn là đôi cánh thiên thần chở che bảo bọc, ôm ấp vỗ về, trong giông bão cuộc đời. Đạo Phật là đạo hiếu, tâm Phật là tâm hiếu, hạnh Phật là hạnh hiếu. Mẹ là Phật hóa thân, dịu hiền tươi mát, đưa ta vượt khổ về vui, lạy Phật dẫn lối đưa đường cho con trong cuộc đời nầy.
Mẹ cho ta một tình yêu thương
Mẹ cho ta một mùi thanh hương
Con tim mẹ truyền đạt tất cả
Mẹ dạy rằng; yêu thương quê hương
Tình của mẹ vời vợi trên cao
Tâm của mẹ như vầng trăng sao
Mắt của mẹ mặt trời ánh sáng
Bàn tay mẹ cứu vớt thương đau
Mẹ là Phật đại nguyện hóa thân
Mẹ là hoa, hoa đẹp tuyệt trần
Mẹ là nước, nước chảy vô tận
Cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng
Con chắp tay chiêm ngưỡng ân người
Con nhiếp tâm khánh chúc vạn lời
Hình ảnh mẹ là Phật hằng hữu
Cho cuộc đời con mãi thắm tươi.