VỌNG BÁI HƯƠNG LINH HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG THANH
Bài & Ảnh:
QUẢNG GIÁC & DIỆU OANH
Trước giờ hành lễ khóa lễ sáng Chủ Nhật hàng tuần, Thượng Toạ trụ trì Chùa Giác Hoàng Hoa Thịnh Đốn thông báo hung tin về sự ra đi đột ngột của Hoà Thượng Thích Quảng Thanh vào ngày 9 tháng 6 năm 2019, khiến hàng Phật tử thiện nam tín nữ chúng tôi vô cùng sửng sốt đến xúc động. Sự viên tịch của Ngài qủa là một mất mát lớn lao cho hàng Phật tử chùa Bảo Quang California và cho cả GHPG Việt Nam trên thế giới. Thầy hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPG Việt Nam Trên Thế Giới kiêm Viện Chủ Chùa Bảo Quang CA. Thầy đã sớm theo bước chân Phật Tổnhập Niết Bàn vào lúc Thầymới bước vào tuổi hạc – 68, để lại cho đời một cơ ngơi thật là vĩ đại cho phật tử Cali nói riêng và một công trình Phật Giáo cho người Viêt hải ngoại nói chung.
Riêng gia đình chúng tôi đã có cơ duyên hạnh ngộ với Thầy lần duy nhất từ năm 1987 trong dịp gia đình chúng tôi cung thỉnh Thày cùng năm vị tăng sĩ từ CA qua thành phố Albuquerque, NM để chủ lễ cho tang lễ Mẹ chúng tôi vừa qua đời. Lúc đó Thầy còn là một Đại Đức trẻ từ VN mới vượt biên qua Hoa Kỳ, trú xứ tại Miền Vĩnh Nghiêm Pomona CA. Sau đó Thầy sinh hoạt Phật sự tại Chùa Giác Hoàng HTĐ với cố HT Thích Thanh Đạm trước khi Thầy rời về California.Gia đình chúng tôi không thể nào quên được nghi thức hành lễ và tụng niệm của tăng đoàn do Thầy làm chủ lễ được ví như một ban hoà tấu với chuông mõ và trống âm vang khi tăng đoàn cùng Phật tử đi vòng quanh quan tài của Mẹ tôi và đọc không biết bao nhiêu thời Chú Vãng Sanh. Ôi! khi lời kinh lên bổng xuống trầm được Thầy xướng lên, không hẳn theo lề lối tụng niệm của Phật Giáo đại thừa Bắc Tông hay tiểu thừa của Phật giáo Nam tông, lần đầu tiên tôi được nghe, phải nói là được “thưởng thức” một giọng tụng niệm đầy đạo vị cảm xúc ấy. Yên lặng! Không một âm thanh gì khác, hầu như mọi người tham dự trong buổi tang lễ của Mẹ tôi trong nhà quàn, trầm tư yên lắng theo tiếng mõ lời kinh dìu dặt của tăng đoàn như một điệp khúc chiêu hồn người đã khuất. Rất tiếc, lúc đó,vì quá đau buồn trước sự mất mát lớn lao này, chúng tôi đã quên không nghĩ tới việc thâu hình để bây giờ nghĩ lại, thấy nuối tiếc vô cùng!
Bẵng đi một thời gian dài, có đến 30 năm, cho đến ngày về hưu có dịp quay trở lại miền Cali nắng ấm, chúng tôi dành một buổi chìều đến chiêm bái Phật tại Chùa Bảo Quang và được gặp lại Thầy. Quá ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi đứng trước cổng chùa ngắm một công trình Phật Giáo vĩ đại tại nước ngoài như thế này!
Chúng tôi xin phép được gặp Thầy và tự giới thiệu với Thầy, nhắc lại những ngày chân ướt chân ráo mới đến định cư tại vùng sa mạc NM khô cằn sỏi đá, không quên lần đầu Thầy đến NM trong lần công tác Phật sự tại đây, Thầy à lên một tiếng: “Tôi nhớ ra rồi!”. Thế là Thầy trò mừng rỡ hàn huyên. Chao ôi! được thưa chuyện với Thầy, mới cảm nhận được cái tâm từ thanh thoát của một vị chân tu. Thầy dắt chúng tôi đi vãng cảnh chùa trước sau, giới thiệu tỉ mỉ hầu hết những công trình do chính Thầy tạo dựng: đây tôn tượng Phật Thích Ca được đặt nằm dưới một tàng cây cổ thụ, xa kia tôn tượng Phật Di Lặc… và còn nhiều nữa. Tất cả đều là những Phật tích vô giá hiện hữu tại Chùa giữa thủ đô tỵ nạn Little Saigon.
Sau một vòng chiêm ngưỡng những cảnh trí bên ngoài, Thầy đưa chúng tôi vào chánh điện.
Chao ôi! một Đại Hùng Bảo Điện trông thật huy hoàng, trang nghiêm… một không gian tĩnh lặng trông như một cảnh giới Niết Bàn mà Phật tử đã đọc qua kinh sách. Tôn tượng Đức Phật Thích Ca như được đúc bằng đồng uy nghi ngự trên một cao toà Phật cảnh. Chúng tôi chắp tayđảnh lễ Phật và hạnh phúc thay! lại được chính Thầy thỉnh lên ba tiếng chuông ngân vang… Tâm bình lặng, chúng tôi như cảm nhận được một luồng giao cảm tâm linh thoát tục như chưa bao giờ được chiêm nghiệm.Thử hỏi đã có mấy ai ai cảm nhận được những giây phút thiêng liêng ấy, như lời Phật dạy, “Nhất trần bất đáo Bồ Đề địa; Vạn thiện đồng qui Bát Nhã môn”. (Lòng còn vương vấn một chút bụi trần thì khó lòng bước vào đất Phật; Mọi điều Thiện đều tụ hội tại cửa Thiền).
Bước qua chánh đường bên cạnh, cửa đóng then cài, Thầy mở cửa cho chúng tôi bước vào; đây không phải là nơi thờ phượng các Đức Thế Tôn mà là một phòng lớn như một đại sảnh. Thầy giới thiệu một Bảo Tàng Phật Giáo hải ngoại với không biết bao nhiêu hình tượng Phật, to có, nhỏ có, đủ mọi loại cấu trúc bằng đồng, bằng ngọc, bằng đá gỗ qúi mà Thầy đã dày công tốn của sưu tầm hoặc được tặng dữ từ khắp các nơi Thầy đã đi qua trên đường hành đạo. Vì có quá nhiều bảo vật Phật giáo qúi gía, mà chính ngay viện bảo tàng quốc gia tại nơi chúng tôi hiện đang cư ngụ là Washington DC cũng chưa chắc đã có, Thầy đã gìn giữ những báu tích này cho những thế hệ ngày nay và cả mai sau, nên Thầy đã cho lắp ráp hệ thống báo động tinh vi tại các cửa cùng đặt nhiều video camera giám sát trong ngoài phòng bảo tàng. Thầy nói, Thầy ít cho phép ai tự do ra vào trong phòng Bảo Tàng trừ những hội đoàn đặc biệt và Phật tử thân quen.
Và vinh hạnh thay cho chúng tôi hôm ấy, trong y phục Ngài Đường Tăng đi Tây Tạng thỉnh kinh, Thầy cho phép chúng tôi chụp vài pô hình để lưu niệm. Tuyệt vời quá!
Từ những năm về trước, chúng tôi chỉ được biết Thầy là một nhà Sư trẻ có lớp dạy cắm hoa theo trường phái Nhật Bản, nhưng sau này tôi lại biết thêm, Thầy còn là một nhiếp ảnh gia đã có nhiều tác phẩm đoạt huy chương vàng trong nhiều cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế; là một họa sĩ tranh sơn dầu; là một nhà thơ lớn trong giới Phật Giáo với bút danh Thanh Trí Caođã có nhiều bài thơ Thiền được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Do đó trong khuôn viên Chùa, trong Đại Hùng Bảo Điện, trong phòng Bảo Tàng… Thầy đã có một lối trang trí vô cùng nghệ thuật, khiến người xem phải sững sờ không thể thốt lên lời…Thầy quả là một nghệ sĩ đa tài, nhưngThầy đã vội ra đi để lại cho người đời cùng hàng Phật Tử khắp nơi một niềm luyến nhớ khôn nguôi.
Từ đây, tác giả xin được mở một dấu ngoặc để viết thêm về khía cạnh văn nghệ trong đời sống tu hành của Thầy, bởi vì không đủ khả năng viết về giáo pháp và cũng bởi mình là người mến chuộng văn học nghệ thuật.
Số là sau ngày Thầy lên thuyền Bát Nhã trở về Bến Giác, ngày 9 tháng 6 năm 2019, mà mãi tới ngày 23 tháng 6, chúng tôi mới có cơ duyên đến được Cali trước tiên để kính vái hương linh Thầy được an vị trong một Vãng Sanh Đường bề thế trong Chùa Bảo Quang, nơi đã có chân dung Cố Hòa Thượng Thích Tâm Châu – Nguyên Thượng Thủ GHPG Việt Nam Trên Thế Giới cùng di ảnh của Hòa Thương Thích Quảng Thanh – Nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPG Việt Nam Trên Thế Giới. Ngưỡng nhìn di ảnh hai vị lãnh đạo PG hải ngoại, không riêng gì chúng tôi mà nhiều Phật tử cùng lúc vào đảnh lễ Thầy đều bùi ngùi thương tiếc một nhà Sư đã tận tuy hy sinh cả đời mình cho Chánh Pháp. Riêng chúng tôi, Thầy còn là một ân sư đã đến NM cử hành tang lễ cho Mẹ chúng tôi ba mươi năm trước đây.
Ngay từ cửa ra vào Vãng Sanh Đường, chân dung của Thầy được in lồng trong một đoá sen nở rộ, bên cạnh là di bút bài thơ để đời của Thầy đã trở thành một ca từ bất hủ của nhạc phẩm:
Dòng sông thấp thoáng con thuyền
Giác ngộ rồi, người sẽ về đâu?
Cho tôi xin bắc một nhịp cầu
Dòng sông ấy thênh thanh tĩnh lặng
Người là ai hạn hữu nghìn sau
Cho tôi xin nối kết những gì
Lý tưởng đẹp cuộc đời dâng hiến
Đường thênh thang ta mãi cứ đi
Đỉnh núi cao hay tình Người cao
Cánh cửa Không ta mở lối vào
Sở trường ấy chiều dài Tuệ Giác
Tâm ấn tâm người đã truyền trao
Sang sông rồi thuyền bỏ lại đây,
Bước ung dung tự tại như mây
Thảo am nhỏ trăng treo lơ lửng
Dấu ấn thiền hạnh ngộ Đông Tây
Sang sông rồi nguyện lực như nhiên
Tình yêu thương ứng dụng chân truyền
Tâm tình đẹp chan hoà sợi nắng
Dòng sông xưa thấp thóang con thuyền
Thanh Trí Cao
(Thơ Thanh Trí Cao – Nhạc Hoàng Quang Huế
Ca sĩ Nguyên Khang trình bày & được phóng thanh trong suốt thời gian tang lễ của Thầy)
Nội dung bài thơ của Thầy quá xúc tích cùng với điệu nhạc dìu dặt đưa người nghe vào cõi tâm linh tĩnh lặng ngay từ những linh cảm đầu tiên qua hình ảnh một con Thuyền Bát Nhã. Chợt thoáng nghe đâu đây, tiếng mái chèo khua đêm trong tiếng mõ lời kinh của nhà thơ Trần Huyền Chân cách đây trên nửa vòng thế kỷ về một “Con Thuyền” mà hầu hết các Phật Tử chúng ta đều chung mang một “ảo vọng”:
“Thuyền tử vớt kiếp điêu linh
Thẳng giòng bến Giác, ngẫm kinh sớm chiều” (THT)
Trước khi ra về, chúng tôi may mắn được gặp Thượng Toạ Thích Phước Hậu – tân Viện Chủ Chủ Chùa Bảo Quang, là cháu ruột cố HT Thích Quảng Thanh gọi Ngài là Chú, đang mũ nón, săn tay áo cặm cụi lao động trong sân chùa giữa cái nắng hè gay gắt của miền Cali hôm ấy. TT mới được HT bảo lãnh từ VN qua mấy tháng trước để kế thừa trách nhiệm những bước chân đi của cố Hoà Thượng điều hành ngôi bảo tự. TT Phước Hậu ngậm ngùi chia sẻ với chúng tôi là Cố HT biết mình không thể qua khỏi cơn bạo bệnh này nên đã để lại di chúc cho vị tân Viện Chủ tiếp nối bước chân của Phật trong cương vị mới trên một quê hương mới mẻ này để hướng dẫn Phật tử trên con đường tu học.
Một lần nữa, ngưỡng nhìn lại dáng vóc bi-trí-dũng của một Vị Cao Tăng - HT Thích Quảng Thanh, chúng tôi chợt ngộ ra rằng “Sinh ký tử qui”là một định luật bất biến như Nguyễn Du đã để lại trong truyện Kiều: “Trăm năm có xá gì đâu; Đời người một nắm cỏ khâu xanh rì”…
Để khép lại giòng cảm xúc vô tận này, chúng tôi không còn biết khấn nguyện gì hơn là xin được kính cẩn chắp tay vọng bái hương linh Thầy trong lặng thầm qua một ca từ nhạc Trịnh:
“Xin cho một người vừa nằm xuống
thấy bóng Thiên Đường cuối trời thênh thang”.
QUẢNG GIÁC & DIỆU OANH
Hè 2019