Trường Việt Ngữ Hùng Vương và những tấm lòng thiện nguyện- Ngọc Như Ý

04/03/201212:00 SA(Xem: 21429)
Trường Việt Ngữ Hùng Vương và những tấm lòng thiện nguyện- Ngọc Như Ý




TRƯỜNG VIỆT NGỮ HÙNG VƯƠNG VÀ NHỮNG TẤM LÒNG THIỆN NGUYỆN

 

 

hv_5-content


Hùng Vương là tên gọi cho trường Việt ngữ tại Trung Tâm Văn Hóa Phật giáo chùa Bảo Quang. Tên gọi đầy ý nghĩa nhắc nhở những con dân của nước Việt phải nhớ ơn những vị vua Hùng lập quốc đầu tiên đã khai phá nền văn minh Âu Lạc đặc thù của nước Việt. Thành lập trường Việt Ngữ là một trong những tâm nguyện của Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, ngay từ những ngày đầu mới bước chân lên xứ người. Trải qua bao năm tháng, trường đã qua nhiều thăng trầm, từ những ngày không có chỗ cho lớp học phải đi mượn tạm cơ sở khác, cho đến khi Bảo Quang được dời về chỗ ở mới, xây dựng tái thiết toàn bộ một ngôi chùa với phòng ốc khang trang, đầy đủ tiện nghi cho các hoạt động văn hóa.


Hôm nay là thứ bẩy đầu tiên của tháng 3. Mùa xuân đang nở rộ trong vườn chùa, cây cỏ tràn ngập những mầm non đầy sức sống, như những em nhỏ được cha mẹ gởi đến lớp học Việt ngữ trong những buổi sáng thứ bẩy từ 9:30 sáng đến 12:30 trưa. Trong cuộc đời lưu vong, bậc làm cha mẹ ai cũng muốn cho con có thể gìn giữ được nếp văn hóa Việt trong khi phải hòa đồng vào cuộc sống xứ người. Ngôn ngữlinh hồn của một dân tộc, chuyên chở nền văn hóa của dân tộc ấy. Tiếng Việt còn, là nước Việt còn. Tiếng Việt rất phong phú, thêm vào đó lại có cả rừng ca dao tục ngữ thường được gán ghép vào trong ngôn ngữ hàng ngày, cho thấy nền văn hóa truyền thống của Việt Nam thật là nhân bản, trọng lễ nghĩa. Đem con cháu đến học tiếng Việt ở chùa Bảo Quang, hẳn ai cũng có hi vọng gởi gấm nơi trường Việt ngữ Hùng Vương trọng trách truyền lại phần nào nền văn hóa ấy cho các em.

 

hv_7-content Theo chân Hòa Thượng Quảng Thanh đến thăm các lớp học, tôi đã chứng kiến phần nào những hoạt động của các em. Các lớp học đều tương đốitrật tự, các giáo viên nhiệt tình giảng dạy và các em cũng chăm chú học và nghe lời thầy cô dạy . Lớp học bắt đầu từ 9:30, đến 10:50 các em được nghỉ giải lao trong 20 phút, rồi tiếp tục vào học cho đến 12:30. Các giáo viên trong giờ giải lao có thể vào văn phòng gặp nhau trao đổi ý kiến cũng như nghỉ ngơi đôi chút. Các giáo viên đều có liên hệ rất thân tình, cởi mở với nhau, xem nhau như người một nhà, đó cũng là một điểm son phải ghi nhận. Các giám thị của trường như thầy Quân, thầy Cúc cũng có vai trò rất quan trọng, các thầy là người phụ trách những vật liệu cần thiết cho những hoạt động của trường, cũng như trông nom cho các em giữ trật tự và được an toàn trong giờ chơi.


Trọng trách thì nhiều mà nhân sự thì ít, đó là vấn đề của trường Việt ngữ Hùng Vương, cũng là tình trạng chung của các cơ sở Việt ngữ ở đây. Trường Việt ngữ Hùng Vương có một đội ngũ giáo viên thiện nguyện nòng cốt làm việc hết lòng mà không cầu đền đáp, có một số mặc dù còn phải bận rộn với công việc sinh kế, hơn thế nữa còn phải đi làm cuối tuần nhưng cũng ráng thu xếp để đến lớp, bởi vì nếu không có ai thay thế thì các em sẽ bị thiệt thòi trong việc học. Mong rằng trong tương lai sẽ có thêm được giáo viên đến với trường góp sức phát triển thêm, cũng để khỏi phụ lòng các phụ huynh đã tin tưởng gởi gấm con em.

 

Ngày thứ bẩy đầu tiên trong tháng cũng là ngày bận rộn tấp nập ở chùa Bảo Quang với khóa tu Bát Quan Trai, cũng là dịp cho các giáo viên có bữa ăn chung để họp bàn mọi việc đầu tháng. Nhân cơ hội này tôi đã được gặp gỡ các giáo viên và phỏng vấn họ. Câu hỏi được đưa ra là:

“Động cơ nào đã khiến các thầy cô bỏ thì giờ và công sức đến với Trường Việt Ngữ Hùng Vương mỗi buổi sáng thứ bẩy, hi sinh thì giờ quý báu của ngày cuối tuần, hi sinh cả công việc sở và việc nhà?”


Cô An, một giáo viên mới tham gia vào trường từ đầu niên khóa 2011-12 trả lời trước tiên:

“Tôi vốn yêu mến trẻ, thích gần các trẻ em. Nhân có con cháu đến trường Việt ngữ Hùng Vương học, thấy thích không khí ở đây nên tôi cũng muốn ở lại trường giúp phần nào, nên đã nhận lời cô hiệu trưởng vào phụ đứng lớp luôn.”

 

hv_8-content Ngồi kế cô An là cô Bùi Tâm Thanh, giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo. Cô Thanh là một giáo viên kỳ cựu ở đây, cũng là một Phật tử thuần thành làm rất nhiều công việc Phật sựVì thế, cô Thanh chú trọng đến việc dạy các em biết lễ nghĩa, đạo đức, biết kính Phật cũng như kính ông bà cha mẹ, một cách để gieo nhân lành cho tâm hồn các em. Cô Thanh tiếp lời: 

“Tôi rất thích trẻ con, nhất là mấy em nhỏ, chúng thật thơ ngây, ở bên chúng thấy vui lắm, hơn nữa chúng như tờ giấy trắng, mình dạy cái gì sẽ in vào trong đầu óc của chúng, vả lại các em rất nể cô giáo, nói gì là nghe ngay, dạy các em biết phép tắc, lễ độ các em sẽ quen như vậy đối với các thầy cô ở trường cũng như về nhà. Trường học của Mỹ dạy kiến thức nhưng không dạy về đức dục, vì thế tôi muốn góp phần vào việc nuôi dạy trẻ Việt để bảo tồn văn hóa Việt Nam, vì nền văn hóa Việt Nam rất là hay, nếu bọn trẻ không biết đến thì rất uổng. Vì thế công việc dạy học ở đây giúp tôi vừa có cơ hội gần gũi các trẻ nhỏ, vừa có dịp truyền bá nền văn hóa Việt Nam.

 

Cô Nguyễn Tuyết Trang, giáo viên lớp Một A, là một giáo viên trẻ rất nhiệt tình, cũng là trưởng ban văn nghệ của trường. Cô rất được học trò yêu mến, một phần vì tài văn nghệ, dạy các em múa hát, nhưng có lẽ phần lớn vì tình thương của cô với các em như một người mẹ khiến các em quyến luyếnÝ kiến của cô Trang như sau :

“Em cũng rất thương các em nhỏ, muốn dạy dỗ truyền đạt cho chúng những điều hay đẹp về ngôn ngữ cũng như văn hóa Việt Nam. Tuần nào em cũng cố gắng đến dạy cho các em, mặc dù đôi khi rất mệt và bận, nhưng không đi thì trong lòng không yên, cứ nghĩ đến các em là lại phải đi cho bằng được.”

 

Một giáo viên rất bận rộn việc ngoài cũng như việc nhà là Cô La Hồng Linh, giáo viên lớp Một B. Cô là một giáo viên kỳ cựu, rất nhiệt tình nhưng cũng phải giải quyết nhiều khó khăn để đến với trường mỗi tuần. Cô Linh tâm sự:

“Linh đi dạy cho chùa Bảo Quang từ khi trường còn mới thành lập, lúc đó chùa còn ở đường Magnolia, không có chỗ cho lớp học nên phải mượn bên thẩm mỹ Hằng Nga, sau lại phải di chuyển đi. Không những Linh giúp cho chùa Bảo Quang mà còn giúp cho nhiều nơi khác, như cho gia đình Phật tử Chánh Pháp ở chùa Dược Sư, và các trường Việt ngữ khác như trường Hồng Bàng v.v.. Đầu tiên là cho con đi học tiếng Việt, rồi thấy công việc dạy học này có lợi ích nên cũng bỏ thì giờ giúp, mặc dù rất bận rộn công việc. Các con của Linh khi còn nhỏ bị bắt đi học tiếng Việt thì cũng phải đi chứ không thích gì lắm, nhưng bây giờ chúng rất biết ơn vì đã biết được tiếng Việt. Mặc dù Linh là gốc người Hoa nhưng Linh rất thích hoạt động để truyền bá văn hóangôn ngữ Việt Nam, dù bận rộn công việc phải đi làm cuối tuần nhưng cũng ráng thu xếp để đi, đôi khi phải đến trễ nhưng lại nghĩ thà đi trễ còn hơn không đến, để các em thiếu cô giáo thì việc học sẽ bị trở ngại. Linh dạy mấy chục năm nay rồi, đôi khi gặp lại học trò cũ mà không biết, bây giờ họ đã trở thành người có chức tước, địa vị, mà gặp Linh vẫn khoanh tay cúi đầu chào cô, khiến Linh rất cảm động.”

 

hv_10-content Cô Trần Nguyễn Phương Uyên là cô giáo trẻ nhất, phụ trách lớp 2, vừa tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Dù tuổi trẻ, nhưng cô Phương Uyên rất có tinh thần trách nhiệm, và trợ giúp đắc lực khi cần phải làm những việc cần thiết trong trường. Cô Uyên cho biết:

“Đầu tiên con đến chùa giúp làm công quả với mẹ, chứ không biết đến trường Việt ngữ. Sau nói chuyện với thầy Hùng, thầy khuyến khích qua giúp trường dạy tiếng Việt, nên con cũng qua làm từ niên khóa trước tới nay. Tài liệu học tiếng Việt ở đây còn nhiều thiếu sót, đôi khi rất khó làm cho các em thấy thích thú để học, nên con phải nghĩ những cách khác phụ thêm vào, như là đem laptop đến cho các em xem những cuốn phim truyện cổ tích Việt Nam, và khi dạy dùng thêm tiếng Anh cho dễ hiểu.”

Hôm nay, khi HT Quảng Thanh đến thăm lớp, cô Uyên đang cho các em xem cuốn phim “Cây khế” truyện cổ tích của Việt Nam. Một em trong lớp đã kể lại cho thầy Quảng Thanh nghe nội dung cốt truyện bằng tiếng Việt.

 

 Ngồi gần cô Uyên là Cô Đinh Thục, giáo viên phụ khuyết. Cô góp ý như sau: 

“Tôi cũng đến chùa làm công quả từ nhiều năm nay, việc gì giúp ích cho chùa là cũng làm hết. Thấy trường Việt ngữ cần giáo viên nên cũng đến giúp, nhưng không thể đến được thường xuyên vì con cháu cần đến mình, đôi khi phải đi xa mấy tháng đến thăm con cháu, nên chỉ xin làm phụ khuyết. Khi nào thiếu giáo viên và mình có ở đây thì đến giúp. “

 

Trong các nam giáo viên của trường Việt ngữ Hùng Vương, có thầy Dương Viết Định, thầy Nguyễn Duy Trọng và thầy Phan Như Huyên. Thầy Định phụ trách lớp 5/6, thầy Trọng trước đây dạy lớp 2 nhưng vì lý do sức khỏe nên đã xin về văn phòng làm việc, và thầy Huyên phụ trách lớp 4. Ngoài ra, còn có thầy Bùi Phúc mới vào phụ trách lớp 3 sau khi cô Huế xin nghỉ. Các thầy đều rất nhiệt tình và sẵn sàng góp công trong các công việc cần thiết ngoài lớp học.

 

hv_11-contentThầy Huyên cho biết

“Tôi vẫn có tâm niệm muốn làm một điều gì đó để truyền bá văn hóa Việt Nam nơi xứ người. Dạy học ở trường Việt ngữ Hùng Vương là cơ hội cho tôi làm được điều này. Tôi đến chùa Bảo Quang cũng do một duyên tình cờ là gặp gỡ thầy Trọng ở công viên, mặc dù công viên rộng lớn như vậy mà hai người lại quen được với nhau. Thầy Trọng nghe nói tâm nguyện của tôi nên giới thiệu ngay cho tôi vào dạy học cho chùa Bảo Quang. Tôi rất thoải mái đến dạy học ở đây, đối với tôi tuy không phải là một Phật tử, nhưng có cảm tình đặc biệt với đạo Phật. Tất cả những điều Phật dạy hay những lời của các vị hiền triết xưa nay nếu đúng chân lý thì phải nhìn nhận là sự thật. Tôi nghĩ rằng con người có quyền có những niềm tin tín ngưỡng khác nhau, nhưng con người căn bản vẫn là giống nhau, không nên phân biệt người nọ với người kia, đạo nọ với đạo kia.  Thầy Quảng Thanh cũng rất phóng khoáng về việc này”. 

 

Thầy Trọng nói thêm: 

“Tôi với thầy Huyên đúng là có duyên, nên hai người gặp nhau ở công viên nói chuyện thấy rất là hợp ý, và sau đó tôi đã giới thiệu thầy Huyên vào trường Việt ngữ. Tôi rất thích công việc giáo dục cho trẻ em, đối với các con tôi cũng muốn rằng ít nhất phải có một người theo ngành giáo dục. Những ngày đến trường Việt ngữ dạy học tôi rất vui và phấn khởi vì đã làm được những điều có ích lợiNgoài ra, tôi rất thích không khí ở chùa, mỗi lần đến đây tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thanh tịnh. Tôi phải cám ơn thầy Quảng Thanh đã mở trường học Việt ngữ Hùng Vương để cho tôi có những giây phút vui vẻ ở đây mỗi tuần. Rất tiếc là sau này vì vấn đề sức khỏe nên tôi không đứng lớp được nhiều, nhưng cũng đến trường đều đặn mỗi tuần để phụ giúp cho công việc văn phòng. “

 

Thầy Định phát biểu như sau:

“Tôi là dân nhà binh, và cũng có nhiều hoạt động bên ngoài rất bận rộn. Nhưng tôi rất thích đến trường Việt ngữ Hùng Vương dạy học, vì đó là cơ hội cho tôi làm được một việc ích lợibảo tồn nuôi dưỡng văn hóa Việt Nam cho các em. Trong việc dạy học tôi cũng dùng nhiều phương tiện để giúp các em vui mà học, như đôi khi đem đàn mandolin đến chơi để tạo không khí vui tươi thoải mái cho các em thích hơn.”

 

Phụ trách văn phòng ngoài thầy Trọng còn có Thầy Hồ Minh Quân, với sự phụ tá của em Lương Kế Vinh, con trai của cô Trang. Thầy Quân vừa làm giám thị chung với thầy Nguyễn Thanh Cúc, vừa lo đủ mọi việc cần thiết trong văn phòng. Thầy chính là phu quân của cô Vicky Hồng Đỗ, đương kim hiệu trưởng trường Việt ngữ Hùng Vương. Thầy “thành thật khai báo”: 

“Tôi đầu tiên chỉ là theo bà xã đến chùa, thả bà ấy và mấy đứa nhỏ xuống rồi tôi đi vòng vòng, đến giờ lại đón. Đi hết chỗ nọ đến chỗ kia mãi rồi chán, sau tôi ở lại chùa luôn, giúp công việc văn phòng. Từ đó tới giờ thành ra quen luôn, vừa giúp việc văn phòng, vừa giúp việc chùa khi nào thầy cần đến. Mặc dù tôi cũng không phải là một Phật tnhưng thấy điều gì có ích lợi là tôi làm, không suy nghĩ gì hết.”

 

hv_3-content Người mang nhiều trách nhiệm nhất trong trường là Cô Vicky Hồng Đỗ, hiệu trưởng. Ngoài những việc chính như quản lý tài chính, kiểm điểmtheo dõi danh sách học sinh hiện diện mỗi lớp, điều hành các giáo viên v.v.., cô còn nhiều việc không tên khác trong văn phòng, và giải quyết những vấn đề khẩn cấp như kỷ luật, tai nạn.. Cô cũng là một cô giáo có khả năng và nhiệt tình, khi cần còn phải vào đứng lớp thay cho các giáo viên vắng mặt. HT Quảng Thanh quả là không lầm khi chọn cô làm Hiệu trưởng, vì cô có tài “điều binh khiển tướng” khiến học trò nghe răm rắp, hơn thế nữa lại có một đội ngũ “gà nhà” gồm thầy Quân, và hai cháu Veronica và Kenny làm phụ tá rất đắc lực. Cô tâm sự:

“Em đến trường Việt ngữ Hùng Vương đầu tiên là đưa mấy đứa con vào đây học. Ở nhà em cũng đã dạy cho các cháu sẵn rồi, nên khi các cháu đem bài vở về là em kiểm soát kỹ càng lắm. Lúc đó cô Mai Minh (cựu hiệu trưởng) là cô giáo con em, vì có mấy điều thắc mắc trong cách dạy của cô nên em đến tìm gặp và trao đổi ý kiến với cô. Sau vài lần trò chuyện cô Mai Minh mời em vào dạy luôn, đầu tiên là phụ đứng lớp, rồi sau phụ trách luôn lớp học. Từ đó tới giờ đã mấy năm rồi. Lúc bắt đầu dạy học thì em tương đốithì giờ nhiều vì chưa đi làm, nhưng cái gì đến thì hay đến một lúc nhiều thứ, sau khi dạy học ở trường Việt ngữ là lại có việc làm. Công việc cũng rất bận rộn, nhiều khi ra sở xong là phải đến trường ngay, không kịp thay quần áo. Thời giờ cứ quần quanh những công việc nhà, việc sở, rồi việc trường. Đến khi thầy chỉ định em làm hiệu trưởng, em cũng lo lắm, vì thấy mình cũng còn trẻ so với các thầy cô khác, nhưng thầy đã giao phó thì cũng cố gắng làm hết sức mình. Được một điều là có ông xã và các con hết lòng phụ giúp nên cũng đỡ cho em phần nào.” 

 

Được gặp gỡ và nói chuyện với các giáo viên trường Việt ngữ Hùng Vương là một niềm vui đối với tôi. Trong thời đại này không có mấy người có một lý tưởng trong đời sống, hơn thế nữa còn biết hi sinh những tiện nghi lợi ích của mình để thực hiện lý tưởng đó, thật là những tấm lòng hiếm quý, rất đáng trân trọng. Cầu mong cho quý giáo viên của trường luôn có sức khỏe và gặp mọi điều thuận lợi để tiếp tục làm những việc có ý nghĩa, giúp cho thế hệ trẻ sau này thành những con người vừa có tài vừa có đức. Thành quả gặt hái cho sự hi sinh của quý thầy cô là những gì không thể đo lường được bằng vật chất, đó là phước báo có được từ công đức của những việc làm tự lợi lợi tha, không những lợi cho người, mà còn lợi cho mình vậy. 

 

Ngọc Như Ý

(Mùa xuân, chùa Bảo Quang ngày 3/ 3/2012).