AN CƯ TẠI CHÙA BẢO QUANG
Mỗi năm, vào khoảng tháng 7 giữa mùa hè, các chùa thường tổ chức an cư kiết hạ. Đây là một truyền thống quan trọng không thể thiếu đối với các vị xuất gia theo đạo Phật, vì vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Tôi đến chùa Bảo Quang trong một ngày an cư. Nắng đang đổ chan hòa lên sân đậu xe mới tinh vừa mới xây xong. Chùa có vẻ hơi im vắng – thì ra các vị tăng ni đang ở trong phòng ăn buổi trưa. Sau bài kinh ngắn, mọi người đều dùng bữa trong sự im lặng hoàn toàn. Chỉ có nhà bếp là bận rộn, tới tấp bưng nấu thức ăn. Lo ẩm thực mỗi ngày cho khoảng 70 người không phải là chuyện dễ dàng. Ban trai soạn làm việc thật vất vả, nhất là nhân sự thì ít mà công việc thì nhiều. Tuy nhiên, trong sự cực nhọc ấy có lẽ cũng có niềm vui nào đó, cho nên quý vị trong ban trai soạn chùa Bảo Quang vẫn kiên trì trợ giúp cho chùa từ bao nhiêu năm nay. Tôi chợt nhớ đến bài “Điển tọa giáo huấn” của thiền sư Đạo Nguyên ở Nhật Bản, trong đó ngài nói đến sự quan trọng của công việc nấu bếp trong chùa, và nhiều vị thiền sư nổi tiếng ở vào ngôi vị Tổ như Quy Sơn, Động Sơn, Tuyết Phong v.v.. đều đã từng làm công việc của một vị điển tọa (nấu bếp). Ngài Đạo Nguyên viết như sau:
“Thiền uyển thanh quy” viết: “Tăng là quý giá hơn hết thẩy, vì họ sống một cuộc đời cao thượng vượt lên mọi vấn đề thế gian nhỏ mọn tầm thường”. Chúng ta được may mắn sinh ra làm người, lại còn được giao nhiệm vụ nấu nướng cúng dường Tam Bảo. Chúng ta phải thành thực hoan hỉ và biết ơn điều đó. Đây là một cơ hội hiếm có từ trước đến nay, công đức ấy sẽ kéo dài vô tận.”
Trong lúc chư tăng ni được nghỉ ngơi sau bữa trưa, tôi được giới thiệu với sư cô Huệ Trân để học hỏi. Sư cô Huệ Trân là tác giả những bài viết chia xẻ nghĩa đạo đăng tải trên nhiều trang nhà Phật giáo, nên được gặp gỡ nói chuyện cũng là một cơ duyên mà tôi thầm mong. Trong bóng cây mát dưới tượng Phật nhập Niết Bàn, câu chuyện bắt đầu như sau:
- Trước hết , xin sư cô cho biết đã xuất gia tu từ lúc nào, và với thầy nào ạ?
- Nếu nói là tu thì ngay từ năm 10 tuổi tôi đã có tâm muốn tu khi được theo cha mẹ đi chùa, nhưng mãi đến 6 năm trước đây mới đủ nhân duyên để “thân tu” tức là xuất gia thực sự. Sư phụ thế phát cho tôi là Hòa Thượng Thích Thiện Long ở chùa Phật Tổ. Tôi cũng có duyên may là trước khi xuất gia đã được học hỏi giáo pháp nhiều từ sách vở của Thầy Tuệ Sĩ và Thầy Nhất Hạnh.
- Cảm tưởng của sư cô khi đi dự khóa an cư kiết hạ như thế nào?
- An cư kiết hạ là một cơ hội quý báu cho chúng tôi được thúc liễn thân tâm, trau dồi trí đức thêm, và đây là dịp may quý hiếm để có thể gặp gỡ nhiều vị tôn túc hòa thượng và được các ngài chỉ giáo . Hơn nữa, những ngày an cư với các bạn đồng tu cùng chia xẻ những kinh nghiệm cho nhau cũng rất lợi lạc.
- Xin sư cô cho biết tại sao chọn đến chùa Bảo Quang để an cư kiết hạ? Chùa Bảo Quang có gì đặc biệt khác hơn những chùa khác trong khóa an cư không?
- Thật ra, chúng tôi không “chọn” nơi an cư, mà chỉ là tuỳ hoàn cảnh và phương tiện, thuận duyên với trường hạ mở nơi nào thì xin được về nhập nơi đó. Thường thì nơi nào có đông chúng mới đảm trách mở hạ. Riêng chùa Bảo Quang chỉ có hai vị, mà vẫn luôn hoan hỷ đón tiếp tăng ni khắp nơi. Chiêm ngưỡng ngôi chùa bề thế, trang nghiêm, cùng thưởng lãm những khung cảnh nghệ thuật của kỳ hoa dị thảo quanh khuôn viên chùa, mới biết phục sự làm việc của hai thầy.
Tôi nhớ năm ngoái, lúc công trình xây cất chùa còn dở dang, chung quanh vật liệu còn ngổn ngang, đất đá bụi mù, tưởng chừng như không thể tổ chức an cư kiết hạ được, thế nhưng Hòa Thượng vẫn làm, và mỗi ngày chúng tôi thấy ngài và đại đức Nhuận Hùng hai người đều săn tay áo làm những việc thật nặng nhọc để giúp cho công việc tu bổ chùa được hoàn mãn. Đến chùa này, tôi nhìn thấy từng tảng đá, từng gốc cây đều có phảng phất hình bóng của hai thầy trong đó - biết bao nhiêu công sức, bao nhiêu giọt mồ hôi đã nhỏ lên trên từng viên đá ở đây. Ngôi chùa đã được dựng lên bằng sức lực của chính tay hai thầy, bằng tất cả tấm lòng dâng hiến và xả thân vì đạo. Điều đó làm tôi cảm động, và nghĩ đến lời Đức Phật nói:
“Nếu ghìm cây kim xuống bất cứ nơi nào trên đại địa cũng chạm vào da thịt Như Lai.”
Quả thật, như sư cô nói, những việc làm với tất cả tâm sức để đem lại một kết quả nào đó, không chỉ lưu lại ấn tượng nơi con người, mà còn đến cả loài vô tình như đất đá cỏ cây.
Trong khi nói chuyện với sư cô Huệ Trân, tôi để ý thấy một vị tăng trông rất năng động, đang tích cực làm những công việc trong chùa. Được giới thiệu, tôi mới biết đó là Đại Đức Thích Thiện Tài, một vị tăng trẻ nhưng có rất nhiều kiến thức về Phật Pháp. Tôi được dịp học hỏi thêm với đại đức:
- Xin đại đức cho biết thầy tu ở chùa nào bên Việt Nam và qua Mỹ ở đâu?
- Tôi hiện đang ở chùa Phật Quang, thành phố Fairfield gần Sacramento. Khi ở Việt Nam tôi là viện chủ Linh Sơn cổ tự ở Bến Tre, đây là một ngôi chùa cổ có lịch sử 217 năm rồi. Tuy còn trẻ nhưng tôi được làm viện chủ một nơi cổ tự với tăng chúng khá đông đảo, vì đã đi tu từ hồi 13 tuổi, và đã được học qua tất cả các trường lớp về Phật Pháp.
Đại Đức Thiện Tài còn cho biết thêm về truyền thống an cư kiết hạ như sau:
- An cư kiết hạ có từ thời Đức Phật tại thế. Ở Ấn độ chỉ có ba mùa là xuân, hạ và đông. Riêng mùa hạ cũng là mùa mưa, côn trùng ra đường rất nhiều, nên để tránh làm tổn hại sinh vật, cũng như để chúng tỳ kheo không bị những bất tiện khi ra ngoài trong mùa mưa, Đức Phật đã chế định “an cư” vào mùa mưa trong ba tháng. Trong thời gian này chư tăng ni ở một chỗ không tiếp xúc bên ngoài, chỉ chuyên cần tu tập để trau đồi giới đức, trưởng dưỡng nội lực, trao đổi kinh nghiệm hoằng hóa và trải nghiệm tâm linh- đồng thời, cũng thể hiện tinh thần Lục Hòa trong cộng đồng tu sĩ. Tuổi tu của tăng sĩ cũng tính bằng những lần nhập an cư kiết hạ, được gọi là tuổi hạ. Một tu sĩ không có tuổi hạ sẽ không được coi là tăng sĩ.
Truyền thống Bắc tông thường cử hành mùa an cư trong khoảng từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7, còn truyền thống Nam tông thì làm trong khoảng giữa tháng 6 đến giữa tháng 10 mỗi năm.
- Xin thầy cho biết đây có phải là lần đầu tiên thầy an cư với chùa Bảo Quang, và cảm nghĩ của thầy ở đây như thế nào?
- Tôi thích an cư ở đây, vì chùa Bảo Quang có sắc thái của một chốn tòng lâm, tức là cảnh thiền môn - một ngôi chùa với nhiều nét của một chốn tổ đình, giống ngôi chùa của các vị tổ ngày xưa ở Việt Nam. Xây dựng một ngôi chùa như vậy ở trong lòng đất nước Hoa Kỳ này thật không phải là điều dễ dàng. Hơn nữa, tôi thấy khóa tu ở đây ôn lại những truyền thống của chốn tổ xưa, nơi tòng lâm uy nghiêm đĩnh đạc.
Tôi ước mong Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Trên Thế Giới sẽ tiếp tục được truyền thống “Dùng tâm ấn tâm, Tổ Tổ tương truyền” theo chánh pháp như ngày xưa.
Được biết Đại Đức Thích Thiện Tài hôm nay cũng phụ trách phần pháp thoại vào lúc 2g 30 chiều, nên tôi cũng ở lại để nghe thầy giảng pháp. Thầy có biện tài, nói năng rất lưu loát và có nhiều kiến thức, pha trộn thêm chút hài hước, nên thu hút sự chú ý và thích thú của thính chúng. Thầy giảng về giới luật, về sự quan trọng phải buông xả ngã chấp, vì đó là nguyên nhân của mọi đau khổ phiền não. Dù đã xuất gia hay ở ngoài thế tục, chúng ta cũng phải phấn đấu rất nhiều với những chướng ngại do chấp ngã gây ra . Riêng với phái nữ, Đức Phật lập ra nhiều giới luật hơn nam giới bởi vì nữ giới nặng nghiệp hơn, do tính khí vốn thường yếu đuối và nhiều ái nhiễm, vì thế phải nỗ lực rất nhiều để vượt thắng chính mình – tuy nhiên khi đã thành tựu đạo quả thì nữ giới cũng là một đại trượng phu không kém gì nam giới.
Buổi pháp thoại chấm dứt, sau đó là khóa lễ tụng kinh chiều. Để tìm hiểu thêm chi tiết về thời biểu khóa an cư tại chùa Bảo Quang, tôi được giới thiệu với Hòa thượng Thích Phước Thuận, viện chủ chùa Trí Phước tại Westminster, chủ trì khóa an cư này. Ngài cho biết như sau:
Ban tổ chức trường hạ tại chùa Bảo Quang từ ngày 16/7/2012 đến 25/7/2012 được sự chứng minh của đại lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu, thượng thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới và Hòa Thượng Thích Chơn Thành, phó thượng thủ. Chức vụ được giao phó là:
- Hòa Thượng Thích Phước Thuận: thiền chủ.
- Hòa Thượng Thích Quảng Thanh: hóa chủ.
Các giảng sư trong khóa tu này gồm có: Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Phước Thuận, Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, Hòa Thượng Thích Thiện Long, Hòa Thượng Thích Tâm Vân, Thượng Tọa Thích Tâm Thành, Đại Đức Thích Thiện Tài, Sư Cô Hoa Tâm & Hoa Đạo.
Trong khóa an cư này, chư tăng hiện diện khoảng 14 người, chư ni khoảng 30 người. Ngoài ra Phật tử tham dự khoảng 20 vị và ban hộ trì là 30 người .
Thời biểu khóa tu 10 ngày như sau:
4:30 sáng : thức chúng
5:30 : tọa thiền & tụng kinh
6:30 : chấp tác (làm việc chùa)
7:00 : tiểu thực (điểm tâm)
9:00 : khóa lễ tụng kinh
11:30 : lễ quá đường (dùng bữa trưa)
12:00 : chỉ tịnh (nghỉ trưa)
14:00 : phóng tham (thức dậy)
14:30 : pháp thoại
16:00 : công phu chiều (khóa lễ tụng kinh)
18:00 : cơm chiều
20:00 : khóa lễ Tịnh Độ
21:30 : tọa thiền và lễ Phật
22:00 : chỉ tịnh (đi ngủ)
Khóa an cư kiết hạ này sẽ tiếp tục mỗi ngày như vậy cho tới ngày 25/7/2012. Mong rằng quý thành viên tham dự đạt được những điều lợi lạc, thêm thăng tiến trên bước đường tu tập, và truyền thống tốt đẹp này sẽ được tiếp nối với thêm nhiều trợ duyên, để trong tương lai Phật giáo Việt Nam sẽ còn được trường tồn và phát triển trong môi trường xa lạ của xứ người.
Ngọc Như Ý
Tháng 7, năm 2012
Mùa an cư kiết hạ chùa Bảo Quang