CÁI VUI CỦA ĐẠO PHẬT
(Buddhists' Delight)
James Atlas
New York Times 16/6/2012
Tại sao tôi đang ở trong một túp lều ở Vermont? Hơn nữa lại là một túp lều trong khu rừng của một trung tâm thiền Phật giáo, đang đọc quyển “Biến tâm mình thành đồng minh” của Sakyong Mipham, qua ánh sáng của chiếc smartphone?
Nếu bạn thực sự muốn nghe (tôi mượn câu này của Holden Caufield), xin nói cho bạn biết là tôi đang ở trong một khóa tu học. Có lẽ phải nói rằng, tôi đang lánh khỏi cuộc sống tất bật ở Manhattan, mong tìm được sự quân bình và hài hòa từ nền tảng của đạo Phật kể từ khi Tất Đạt Đa giác ngộ dưới cội cây bồ đề hơn 2500 năm về trước ở xứ Ấn Độ xa xôi.
Tri kiến căn bản của Đức Phật (bậc Tỉnh Giác) là: đời là khổ, và khổ là do chấp ngã, và chấp vào mọi sự trong thế giới này. Chỉ khi nào giải thoát được chính mình ra khỏi vòng kiềm tỏa của những ước muốn vô tận, ta mới thực sự được sống tự do.
Không phải là tôi đang sẵn sàng muốn buông bỏ thế giới này, và mọi sự trong đó. “Tôi vẫn còn chờ đợi một điều gì hứng thú”, như Edmund Wilson đã thú nhận trong quyển nhật ký của ông khi ông đang ở tuổi trên 60 : “uống rượu, những cuộc đối thoại linh động, sự vui sống, sự trao đổi ý kiến tự do..” Tôi cũng vậy. Nhưng tôi cũng muốn nghỉ ngơi khỏi những điều đó.
Tôi không hăng say muốn chấm dứt cuộc đời như một cặp Phật tử đi ẩn tu ở Arizona để rồi một người bị chết, một người suýt chết vì cơ thể thiếu nước, ở trong một hang động xa xôi nào đó. Nhưng tôi không phải là người độc nhất muốn đi khóa tu này. Khóa tu kỳ này ở Vermont đông người ghi tên tham dự đến nỗi người ta phải ngủ trong những chiếc nệm futon ở Chánh Điện. (Tôi may mắn là có một cái lều). Dr Paul D. Numrich, một giáo sư đại học về tôn giáo thế giới và những liên hệ xuyên tôn giáo, đã phỏng đoán rằng những người theo đạo Phật ở Hoa Kỳ bây giờ cũng đông bằng những người theo đạo Hồi.
Tuyên bố của giáo sư Numrich làm người ta giật mình, nhưng một số thống kê đã kiểm chứng điều đó: Đạo Phật là đạo lớn thứ 4 ở Mỹ. Nhiều người Mỹ đang cải đạo sang đạo Phật hơn là đạo Mormon (Ông Mitt, hãy nghĩ về vấn đề này đi!).
Trong quyển “Người Mỹ gặp gỡ đạo Phật” của ông Thomas Tweed, nhiều người cải đạo được đề cập đến như là “những Phật tử đầu giường” - hầu hết là những người cải đạo từ đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái, và một số người tỵ nạn từ các đạo khác, thường để một chồng sách Phật của Pema Chodron bên cạnh đầu giường.
Vậy thì ai là những Phật tử mới này? Có phải là những dân nghiền điện thoại Black Berry đang mệt mỏi và muốn làm yên lắng cái “tâm viên ý mã” của mình không? Hay những kẻ tự nhiên đi theo vì rúng động trước những cơn khủng hoảng về tài chánh và con người, của một đất nước mà ngay cả Jeb Bush cũng nói là đang bị “xuống dốc”? Thời thế bất trắc làm cho con người dễ có những ý nghĩ thê lương – đó cũng là điều kiện cho những hoạt động tôn giáo phát triển.
Hoặc có lẽ là đạo Phật đáp ứng được với nỗi ám ảnh về thân tâm hiện nay của con người. Dr Andrew Weil, trong quyển sách mới “Hạnh phúc tự nhiên”, đã thiết lập một mối liên hệ giữa sự tu tập đạo Phật và “khuôn mẫu hợp nhất đang phát triển của sức khỏe tinh thần” (the developing integrating model of mental health) . Mối liên hệ này được chứng minh rất nhiều qua các tài liệu: tại phòng thí nghiệm khoa học thần kinh về những điều kiện thay đổi tâm lý (laboratory for affective neuroscience) ở trường đại học Wisconsin, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rằng thiền tập của đạo Phật có thể làm thay đổi cấu trúc của não bộ - và qua nhiều thử nghiệm khoa học, nay ta biết rằng điều đó cũng sẽ làm thay đổi thể chất của chúng ta. Trung tâm nghiên cứu về Sự Tỉnh Giác ở đại học UCLA cũng đang thu thập dữ kiện cho một khoa mới về “Cách tập trị liệu về khả năng nhận biết trên cơ sở tỉnh giác” (mindful-based cognitive therapy), trong đó người ta thấy có sự tương ứng tích cực giữa cách tập trị liệu và điều mà Dr Daniel Segel, vị đồng giám đốc của trung tâm, gọi là tâm cảnh (mindsight). Ông viết về sự phát triển một khả năng tập trung vào nội tâm để chúng ta có thể “dùng để tái cấu trúc lại những lối đi của hệ thần kinh, kích thích sự tăng trưởng của những vùng thiết yếu cho sức khỏe tinh thần.”
Chỉ trong 4 ngày tu tập, tôi cũng cảm thấy điều này. Mỗi ngày, chúng tôi ngồi hàng giờ trong tiếng ve bay lượn ngoài khung cửa sổ lưới của ngôi thiền đường sửa lại từ một chuồng bò trước đây. Phải nói là lúc đầu tập trung tư tưởng rất khó, như ai đã từng tập thiền cũng đều biết: cần phải chịu đựng những tư tưởng đang trôi qua ý thức nhận biết của mình - những lập đi lập lại, có khi là vô nghĩa, và thường là đáng chán. (Các Phật tử dùng chữ “tỉnh giác” để mô tả tiến trình này, tuy đôi khi tôi cảm thấy như là “vô giác” nhiều hơn). Nhưng sau một lúc, khi tiếng chuông đã đánh lên và mọi người ngồi trong im lặng, tôi thấy mình như được bao bọc trong sự rỗng lặng bình yên của vô niệm, dù chỉ một vài phút thoáng qua. Những lúc như vậy, cũng cảm thấy đáng công lái xe 7 tiếng đồng hồ từ New York tới đây.
(Diệu Huyền chuyển dịch)