Câu Hỏi Lớn Trên Đỉnh Núi Tuyết - Diệu Huyền

15/06/20178:17 CH(Xem: 3326)
Câu Hỏi Lớn Trên Đỉnh Núi Tuyết - Diệu Huyền

CÂU HỎI LỚN TRÊN ĐỈNH NÚI TUYẾT

                                                                                                              Diệu Huyền


T

rong khoảng thập niên 1980, tôi đang cư ngụ ở Santa Fe, NM bằng nghề viết lách cho tạp chí địa phương, chỉ đủ sống lây lất qua ngày, bỗng nhiên được nhận lãnh một công việc thật đặc biệt.

Trước đó tôi đã kết bạn với một nhóm người Tây Tạng lưu vong sống trong một khu ở Canyon Road,  nơi đó họ có cửa tiệm bán những đồ thủ công Tây Tạng như thảm, nữ trang, và các dụng cụ pháp khí. Người Tây Tạng đến Santa Fe định cư vì ở đây có núi cao, có những ngôi nhà bằng đất đỏ, và có khung cảnh trên cao gợi nhớ đến quê hương của họ.

Người thành lập nên cộng đồng Tây Tạng ở đây là một người đàn ông có tên là Paljor Thondup. Tondup lúc còn nhỏ đã trốn chạy khỏi Tây Tạng, cùng gia đình vượt biên đi xuyên qua dẫy núi Hi Mã Lạp Sơn trên lưng ngựa và con bò yak, trong một cuộc hành trình nhiều năm có tính cách hùng sử. Thondup đã đến được Nepal và từ đó qua Ấn độ, nơi đó anh được nhận vào trường học trong thị trấn Pondicherry ở phía đông nam với những người tỵ nạn Tây Tạng khác.

Một ngày nọ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm lớp học của anh. Nhiều năm sau, ở Dharamsala, Ấn Độ, Thondup nhờ tài ăn nói đã xin được yết kiến riêng với Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ngài nói với Thondup rằng, ngài không bao giờ quên được cậu bé học trò thông minh ngồi phía cuối lớp đã nhanh nhẹn dơ tay trả lời mọi câu hỏi, trong khi các học sinh khác chỉ ngồi ngẩn người ra vì sợ. Từ đó họ đã có mối dây liên lạc với nhau. Và Thondup dần dần đã lần mò đến được Santa Fe. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma được giải hòa bình năm 1989. Thondup lúc ấy nghe rằng ngài đang dự tính đi thăm Hoa Kỳ, nên đã mời ngài đến viếng thăm Santa Fe. Đức Đạt Lai Lạt Ma chấp nhận, nói rằng ngài sẽ hoan hỉ đến đó trong một tuần. Lúc ấy, ngài chưa phải là nhân vật nổi tiếng như bây giờ. Chỉ có chừng nửa tá vị sư đi cùng với ngài, hầu hết đều không biết nói tiếng Anh. Ngài không có người quản lý, người đại diện đi trước, thông dịch viên, báo chí, hay người phối hợp tổ chức chuyến du lịch. Ngài cũng chẳng có tiền bạc gì cả.

Khi sắp đến ngày đón khách, Thondup mới thấy hoảng hồn lên. Anh ta chẳng có đồng nào để trả chi phí cho chuyến đi này, cũng không có một ý niệm gì về việc tổ chức như thế nào cả. Thế là anh gọi cho người duy nhất anh biết đang làm cho chính phủ là James Rutherford, một thanh niên trẻ đang quản lý phòng triển lãm nghệ thuật của thống đốc trong tòa nhà quốc hội tiểu bang. Rutherford không hẳn là một người giao thiệp rộng với giới quyền thế ở New Mexico, nhưng anh có biệt tài về tổ chức. Anh đã nhận lời sắp xếp cho chuyến đi thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Rutherford bắt đầu gọi điện thoại khắp nơi. Anh mượn được một xe limousine dài từ một thương gia giầu có buôn bán sản phẩm nghệ thuật, và nhờ người em là Rusty lái chiếc xe đó. Anh thuyết phục được ông chủ của Rancho Encantado, một khu nghỉ mát sang trọng ở bên ngoài Santa Fe, cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và đoàn tùy tùng được ăn ở không mất tiền. Anh còn gọi cả cảnh sát tiểu bang, bàn thảo việc bảo vệ an ninh với họ.

Trong nhiều cú điện thoại Rutherford gọi đi, có một cú gọi đến cho tôi. Anh nhờ tôi làm đại diện phụ trách báo chí cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi cự nự với Rutherford, nói là anh gọi lầm người rồi, tôi chẳng có kinh nghiệm gì cả về việc này, vào tay tôi chắc chắn là mọi sự sẽ thê thảm thôi. Rutherford nói, anh ta không có thì giờ đâu để mà bàn cãi. Anh nói, Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người lúc nào cũng sẵn sàng dừng lại nói chuyện với bất cứ ai muốn hỏi ngài điều gì. Ngài đối xử với tất cả mọi người, từ ông tổng thống nước Mỹ cho đến một kẻ đầu đường xó chợ đều như nhau, ai cũng được ngài bỏ thì giờ để ý lắng nghe hoàn toàn. Vì thế phải có người quản lý đám báo chí để giữ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma khỏi bị vướng vít. Và người ấy sẽ là tôi. 

 

Tôi đang quá sức cần tiền, nên đã đồng ý. Lúc Rutherford sắp cúp điện thoại, tôi hỏi thế tôi sẽ nhận được bao nhiêu tiền? Anh chàng tỏ vẻ kinh ngạc tột độ, nói anh thật buồn lòng thấy tôi tham lam như vậy. Sao tôi lại có thể nghĩ đến chuyện tính tiền cho đặc ân được ở cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma một tuần? Ngược lại là khác, tất cả những thiện nguyện viên đều phải đóng góp, không phải để nhận lãnh gì hết. Anh có một bảng quyên tiền ngay trước mặt đây này, muốn đóng vào đó bao nhiêu?

 Tôi đành hứa, sẽ đóng góp $50.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Santa Fe vào ngày 1 tháng 4, năm 1991. Tôi ở bên cạnh ngài mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến tối khuya. Du lịch với ngài quả là một chuyến phiêu lưu. Ngài lúc nào cũng vui vẻ và đầy nhiệt tình – lúc thì đưa những câu nhận xét thật sâu sắc, lúc cười rộn rã, lúc đặt câu hỏi, tự xoa đầu trọc của mình, rồi nói đùa về tiếng Anh ba rọi của mình. Đúng thật là ngài sẵn sàng ngừng lại nói chuyện với bất cứ người nào, mặc dù có bao nhiêu người đang cố gấp rút đưa ngài đi chỗ khác cho kịp buổi họp kế tiếp. Khi ngài nói với bạn, trông ngài như đang bỏ quên hết thế giới bên ngoài để chỉ dồn sự chú ý, thương cảm, quan tâm, và thích thú đối với bạn.

Mỗi buổi sáng ngài dậy từ 3:00 giờ và ngồi thiền mấy tiếng đồng hồ. Thông thường ngài hay đi ngủ sớm, nhưng ở Santa Fe có nhiều hôm ngài phải đi dự tiệc đến khuya mới về. Vì thế, mỗi ngày sau bữa trưa chúng tôi lại phải đưa ngài về Rancho Encantado để nghỉ ngơi một giấc.

Báo chí từ vài tiểu bang khác tụ hội về làm phóng sự, đông đảo quá mức hơn chúng tôi dự tính. Có từng đoàn ký giả và chuyên viên truyền hình. Tôi thật không biết mình phải làm những gì. Trong tuần, có nhiều người đã nổi giận với tôi và một anh chàng đã mắng tôi là “đồ ngu như bò”. Tôi cũng ráng tìm cách lội nước qua sông hoàn thành nhiệm vụ. Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp các chính trị gia, tài tử điện ảnh, những bậc thầy của phong trào Thời Đại Mới (New Age), những tỷ phú, và cấp lãnh đạo bộ tộc da đỏ Pueblo. Một ngày trước ngày cuối cùng của chuyến đi, Ngài

đã dùng bữa trưa với hai thượng nghị sĩ của New Mexico là Jeff Bingaman và  Pete Domenici, và Bruce King, thống đốc tiểu bang New Mexico. Trong bữa ăn trưa, một người nào đó nói là Santa Fe có một khu chơi trượt tuyết (ski). Đức Đạt Lai Lạt Ma vội vàng nắm lấy tin này, bắt đầu hỏi về chuyện trượt tuyết – làm như thế nào, có khó không, ai chơi môn đó, họ đi nhanh như thế nào, làm sao họ giữ cho khỏi bị ngã v.v..

Sau bữa ăn, đám báo chí giải tán. Thông thường thì không có chuyện gì lạ xẩy ra khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị sư tùy tùng lui trở về Rancho Encantado để nghỉ trưa. Nhưng lần này lại có chuyện xẩy ra. Nửa đường về khách sạn, xe limo chở Đức Đạt Lai Lạt Ma bỗng dừng lại bên lề. Tôi đi theo xe limo trong xe của Thondup, thấy vậy chúng tôi cũng ngừng lại. Đức Đạt Lai Lạt Ma bước ra khỏi xe và leo lên hàng ghế trước, nói chuyện sôi nổi với Rusty, người tài xế. Ít phút sau Rusty ra khỏi xe và đi về phía chúng tôi với vẻ mặt lo ngại. Anh ta nghiêng người qua cửa sổ nói với chúng tôi:

-           “Đức Đạt Lai Lạt Ma nói ngài không mệt và muốn đi lên núi xem trượt tuyết. Tôi phải làm gì bây giờ?’

-           “Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn đi đến khu trượt tuyết, chúng ta sẽ đi đến khu trượt tuyết,” Rutherford nói.

Thế là chiếc limo quay vòng lại, và tất cả chúng tôi đều lái xe ngược lại, đi xuyên qua thành phố hướng về phía núi. Bốn mươi phút sau chúng tôi đã đến khu vực trượt tuyết. Lúc này đã cuối mùa trượt tuyết nhưng khu vực núi vẫn còn mở cửa cho người vào chơi. Chúng tôi đậu xe lại dưới tòa nhà chính của quán trọ. Các vị sư lục tục bước ra khỏi xe limo. Rutherford nói:

            “Xin hãy đợi đây để tôi đi tìm người nào lo công chuyện.”

Anh ta biến mất về phía quán trọ, và năm phút sau quay trở lại với Benny Abruzzo, một thành viên sở hữu chủ của khu trượt tuyết này. Abruzzo ngạc nhiên thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị sư đang di chuyển trong tuyết, chỉ với y áo mỏng manh trên người.

Hôm đó là một ngày tháng tư tuyệt đẹp, thật toàn hảo cho trò chơi trượt tuyết - nhiệt độ vào khoảng quá bán 50 độ, các dốc núi đều đông người, và lớp tuyết bao phủ thuộc loại những người chuyên trượt tuyết gọi là “khoai tây tán”. Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị sư nhìn quanh đầy vẻ thích thú với các hoạt động, tiếng rồ rồ của ghế cáp chở người lên núi, những người trượt tuyết đi lên đi xuống, và những dốc núi cao vút đến tận trời xanh. 

“Mình lên núi được không?” Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi Rutherford.

Rutherford quay qua nói với Abruzzo: “Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn đi lên trên núi”.

“Ý ông nói là, đi ghế cáp lên núi à? Mặc đồ như vậy sao?”

“À, ông thấy ngài có đi được không?”

“Tôi nghĩ là được. Nhưng chỉ có mình ngài, hay là…?” Abruzzo gật đầu hướng về các vị sư.

“Tất cả mọi người đều đi.” Rutherford nói. “Nào, tất cả chúng ta lên đỉnh chơi đi.”

Abruzzo đến nói với chuyên viên điều khiển ghế cáp vuông. Rồi anh dồn những người đi trượt tuyết đang xếp hàng lùi lại để lấy chỗ cho chúng tôi, rồi mở giây ra. Cả trăm người đi chơi tuyết trợn tròn mắt ngạc nhiên nhìn một loạt bốn vị sư níu chặt tay nhau đi từng bước e dè lên ghế cáp. Bên dưới chiếc áo cà sa mầu vàng và đỏ thẫm, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị sư đều đi một loại giầy giống nhau:  giầy da mũi nhọn Oxford. Giầy da mũi nhọn mà đi tuyết thì thật là cả một sự hãi hùng. Các vị sư đi trượt lên trượt xuống, tôi chỉ sợ thế nào cũng có một vị ngã xuống, kéo theo cả mấy vị kia luôn thì khổ!

Thế rồi chúng tôi cũng lên được trên ghế cáp mà không bị rớt ra ngoài, và chuyên viên điều khiển cho máy ngừng lại mỗi một lượt ghế cáp đến, để cho mọi người lên được bốn người một ghế. Đến phiên tôi được xếp ngồi cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma, và ở bên trái là Thondup.

Đức Đạt Lai Lạt Ma quay lại nói với tôi: “Khi đến thành phố của anh, tôi thấy bốn bề là núi, những ngọn núi thật đẹp. Thế nên cả tuần nay tôi chỉ muốn đi núi thôi.” Đức Đạt Lai Lạt Ma có cách nói chuyện đầy nhiệt tình, trong đó ông hay nhấn mạnh một số chữ. “Và tôi cũng đã nghe nói nhiều đến môn thể thao này, môn trượt tuyết. Tôi chưa bao giờ được thấy trượt tuyết.”

-           “Ngài sẽ thấy người ta trượt tuyết ở dưới khi mình đi ghế cáp lên núi.” Tôi nói.

“Thế à? Tốt lắm! tốt lắm!”

Chúng tôi bắt đầu đi lên núi. Chiếc ghế cáp đã cũ, chẳng có thanh chống an toàn đặt ngang để bảo vệ, nhưng điều này dường như chẳng làm cho Đức Đạt Lai Lạt Ma bận tâm chút nào, ngài tiếp tục nói chuyện sôi nổi về mọi thứ nhìn thấy trên dốc núi. Trong khi ngài chỉ chỏ và nghiêng mình về phía trước trong hư không, Thondup mặt mày tái mét nắm chặt lấy thành ghế, luôn mồm nhắc nhở ngài bằng tiếng Tây Tạng. Sau này anh ta nói với tôi rằng anh năn nỉ ngài làm ơn ngồi ra sau, nắm lấy ghế, và đừng có nghiêng ra ngoài nhiều quá.

“Xem người ta đi nhanh chưa kìa!”  Đức Đạt Lai Lạt Ma nói. “Cả trẻ con cũng trượt tuyết nữa! Nhìn thằng bé kia kìa!”

Chúng tôi nhìn xuống dốc núi trắng xóa phía dưới, thấy những người trượt tuyết đi không nhanh gì lắm. Đúng lúc đó, có một tay trượt tuyết sành sỏi lướt vụt xuống từ con dốc cao hơn. Đức Đạt Lai Lạt Ma thấy anh ta, nói: “Xem kìa! Đi nhanh quá!Coi chừng đụng phải cái cột!” Ngài chụm hai tay lại, gọi với đến người trượt tuyết vô tình kia: “Coi chừng cái cột!” Ngài cuống quít vẫy tay. “Coi chừng cái cột!”

Người trượt tuyết kia không thể nào ngờ được là vị hóa thân thứ 14 của Bồ Tát Quan Thế Âm đang kêu gào để cứu mạng anh ta, khi đến gần cái cột tháp anh chỉnh lại một chút, đổi hướng đi, rồi tiếp tục xuống dốc một cách điêu luyện. 

Ngạc nhiênthán phục, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi ngả người ra phía sau nắm tay lại, nói phân trần: “Anh thấy không? Á à, trượt tuyết quả là một môn thể thao tuyệt vời!”

Chúng tôi đã lên đến gần đỉnh núi. Abruzzo đã phối hợp để mỗi ghế cáp vuông dừng lại cho đổ người xuống. Các vị sư và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ra khỏi được ghế cáp và tụ lại với nhau, cùng thận trọng lúp xúp bước qua lớp tuyết mềm ẩm ướt.

“Xem phong cảnh kìa!” Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu lên, đi về hướng hàng rào sau của khu vực trượt tuyết, đàng sau khu đậu những ghế cáp, nơi sườn núi bắt đầu đổ dốc xuống. Ngài ngừng lại nơi hàng rào, nhìn xa xăm về phía nam. Khu vực trượt tuyết của Santa Fe, tọa lạc trên đỉnh núi cực nam của dẫy núi Sangre de Cristo, là một trong những địa điểm trượt tuyết cao nhất ở vùng Bắc Mỹ. Tuyết phủ trên hàng hàng lớp lớp cây linh sam và những ngọn núi xanh thoai thoải đổ xuống một sa mạc đỏ rộng lớn ở 5000 feet phía dưới, trải dài đến tận chân trời.

Trong khi đứng đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói hăng say về quang cảnh núi, tuyết và sa mạc. Sau một lúc ngài lặng im, và rồi, bằng một giọng nói thật buồn, ngài thốt lên: “Đây giống Tây Tạng quá”.

Các vị sư đứng đó nhìn phong cảnh thêm một lúc, rồi Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ về phía ngược lại có những đỉnh núi cao đến 12,000 feet: “Nào, ra xem phong cảnh đàng kia đi!” Thế là họ cùng dắt díu nhau bước nhanh qua nền tuyết. Đúng lúc đó, có người kêu thét lên:

“Chờ chút! Đừng bước trước mặt ghế cáp!”

Nhưng đã quá trễ. Tôi đã thấy người chuyên viên điều khiển ghế cáp, trong cơn bất ngờ, cố loay hoay làm cho ghế cáp dừng lại, nhưng ông ta không với tới nút bấm được đúng lúc. Đúng lúc đó có bốn cô gái chừng mười mấy tuổi vừa ra khỏi ghế cáp đã bắt đầu ở trên lối đi trượt tuyết xuống, đâm thẳng vào nhóm Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một dàn âm hưởng của những tiếng thét vang dội, những tiếng kêu ré đặc biệt chói tai mà chỉ đám con gái mười mấy tuổi mới có, sau đó họ đâm xầm vào Đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị sư, khiến các ngài ngã lăn xuống như những quả bóng bowling mầu vàng đỏ. Con gái và sư đều ngã bổ chỏng trong một mớ hỗn độn, tay, chân, cây chèo lướt tuyết, gậy đi ski và giầy da mũi nhọn dơ lên tứ tung.

Chúng tôi vội vàng chạy đến, lo lắng không biết Đức Đạt Lai Lạt Mabị thương hay không. Và nỗi lo sợ tệ hại nhất dường như đã hiển hiện khi chúng tôi thấy ngài nằm lăn trên tuyết, mặt mũi méo mó, miệng há rộng phát ra một âm thanh đáng sợ. Không biết ngài có bị gẫy xương sống không? Không biết có nên di chuyển ngài không? Và rồi, chúng tôi nhận ra rằng ngài chẳng bị thương gì cả, mà đang trong cơn cười nghiêng ngửa không thể dứt được.

  “Ở chỗ chơi trượt tuyết, bao giờ cũng phải tỉnh giác nhìn quanh!” Ngài nói.

Chúng tôi gỡ các vị sư và các cô gái khỏi tình trạng hỗn độn rồi đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi lối đi trượt tuyết, đến chỗ an toàn ngắm cảnh núi tuyết của New Mexico.

Ngài quay lại nói với tôi: “Anh biết không, ở Tây Tạng chúng tôi có những ngọn núi thật hùng vĩ.” Ngài ngừng lại, rồi nói: “Tôi nghĩ nếu Tây Tạng được tự do, chúng tôi cũng có nơi trượt tuyết rất tốt!”

Chúng tôi đi ghế cáp xuống núi và quay lại quán trọ để ăn bánh bích quy và uống nước chocolat nóng. Đức Đạt Lai Lạt Ma có vẻ đầy hưng phấn sau khi làm được chuyến đi thăm đỉnh núi tuyết.  Ngài hỏi Abruzzo cặn kẽ về môn thể thao trượt tuyết và tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe nói cả những người chỉ có một chân cũng đi trượt tuyết được.

Quay sang Thondup, ngài hỏi: “Thế con mi có đi trượt tuyết không?”

Thondup xác định với ngài là con anh cũng trượt tuyết.

“Cả trẻ con Tây Tạng cũng trượt tuyết à?” Ngài vỗ tay nói, cười thích thú. “A, môn thể thao này thật là tuyệt!”

 Trong khi chúng tôi ăn uống gần xong, một cô hầu bàn trẻ có mái tóc vàng dơ bẩn rối bù với băng cột tóc kết bằng hạt, bắt đầu đến dọn bàn chúng tôi. Cô ngừng lại nghe ngóng câu chuyện rồi cuối cùng ngồi luôn xuống, bỏ cả công việc. Sau một lúc, khi có khoảng trống dừng lại, cô nói với Đức         Đạt Lai Lạt Ma:

-           “Ngài không thích ăn bánh bích quy này sao?”

-           “Cám ơn cô, tôi không đói.”

-           “Dạ thưa.. con có thể nào… hỏi ngài một câu được không?”

-           “Xin cứ hỏi.”

Cô gái nói, vẻ mặt hoàn toàn nghiêm trọng: “Cái gì là ý nghĩa cuộc đời?”

Trong suốt tuần lễ tôi ở chung với Đức Đạt Lai Lạt Ma, biết bao nhiêu câu hỏi người ta có thể nghĩ ra được đã được hỏi với ngài – duy chỉ có câu này là không ai dám hỏi … đúng ra chính là câu hỏi lớn nhất. Trong khoảnh khắc, một màn im lặng kinh ngạc bao trùm nơi bàn của chúng tôi.

Ngay lập tức, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Ý nghĩa cuộc đời là hạnh phúc”. Ngài dơ ngón tay lên, nghiêng người về phía trước, nhìn chăm chú vào cô gái như thể cô là người duy nhất trên thế gian này. “Câu hỏi khó không phải là “Cái gì là ý nghĩa cuộc đời”, câu hỏi đó dễ trả lời quá! Không phải thế, câu hỏi khó chính là cái gì làm nên hạnh phúc. Tiền tài ư? Nhà cửa ư? Sự nghiệp ư? Bạn bè ư? Hay là…” Ngài ngừng lại. “Tình thương và tấm lòng nhân ái?... Đây mới là câu hỏi mà tất cả mọi người trong nhân gian đều phải tự tìm câu trả lời. Cái gì làm nên hạnh phúc thực sự?” Ngài nhấn mạnh đặc biệt vào câu hỏi cuối cùng này rồi im lặng, mỉm cười nhìn cô gái.

“Xin cám ơn”, cô nói, “Con xin cám ơn ngài.” Cô đứng lên, dọn dẹp nốt đám đĩa chén bẩn, rồi bưng chúng đi.  

                                 Diệu Huyền phóng dịch
                          Theo bài của Douglas Preston