Dấu Ấn Trên Dòng Thời Gian Trong Thơ Thanh Trí Cao

06/09/20193:02 CH(Xem: 2992)
Dấu Ấn Trên Dòng Thời Gian Trong Thơ Thanh Trí Cao
39-Sen


DẤU ẤN TRÊN DÒNG THỜI GIAN TRONG THƠ THANH TRÍ CAO

 

Có người nói, thơ Thanh Trí Cao là một sự kết hợp tuyệt vời giữa nhà thơ Bùi Giáng và Tuệ Sỹ. Điều nầy có lẽ cũng đúng, bởi nhà thơ Thanh Trí Cao đã từng có một thời sống cùng với thi sỹ họ Bùi ở chùa Long Huê, Sài Gòn, và từng theo học với bậc thầy lớn Tuệ Sỹ.

 

Thi hiệu Thanh Trí Cao tức Hoà Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ Chùa Bảo Quang, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam.

 

Mới đây và cũng là lần thứ hai, Hòa Thượng được nhật báo The Orange County Register số ra ngày Thursday, July 9, 2015, nữ ký giả Deepa Bharath có bài tường thuật: “A MONK OF MANY TALENTS” Vị Tu Sĩ Đa Tài.

 

 Hòa Thượng có công rất lớn trong việc phát huy và bảo tồn nền văn hóa nghệ thuật của Đạo Phật Việt tại Orange County, thủ đô tỵ nạn của người Việt nói riêng và trên xứ người nói chung. Với công trình kiến trúc xây cất chùa Bảo Quang, cũng như sưu tầm những bảo vật giá trị của Phật Giáo là một minh chứng. Dù nhìn từ góc độ và khía cạnh nào, thì ta cũng phải thừa nhận một điều, Hòa Thượng là một nghệ nhân đa dạng, một thiền sư với nhiều phong thái đặc biệt.

 

Bốn mươi năm chúng ta lưu lạc nơi xứ người, và khoảng ba mươi năm Hòa Thượng định cư ở Hoa Kỳ, với ngần ấy thời gian lẫn không gian, không ngại gian lao thử thách, Hòa Thượng cùng với hàng hàng lớp lớp Phật Tử chung góp bàn tay khối óc, để hoàn thành ngôi phạm vũ trang nghiêm, và cũng là Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Chùa Bảo Quang.

 

Ba công trình kiến trúc còn lại của dự án đang được tiến hành xây cất đó là: Tàng kinh các, tháp thờ tro cốt và cổng tam quan. Ngôi chùa không những là nơi tu học nhằm mang lại phước lạc vô biên cho người còn sống, mà còn đem lại sự lợi lạc cho người đã mất.

 

Chùa Bảo Quang không những thành công về mặt tín ngưỡng, mà còn thể hiện bản sắc văn hóa nghệ thuật của Đạo Phật Việt trên xứ người, và là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Hòa Thượng có nhiều sở trường ở nhiều lãnh vực khác nhau từ: Kiến trúc, hội hoạ, nhiếp ảnh, điêu khắc, bonsai, thi ca, văn, nhạc, nghệ thuật v.v… Trong tất cả các bộ môn, hầu như ngài đều đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người thưởng ngoạn.

 

lãnh vực thi ca, thơ Thanh Trí Cao chuyên chở những xúc cảm tinh tế, đã được chuyển hóa thành năng lượng tương tác với thực tại nhiệm mầu. Ở đó, thơ không còn là thơ mà là tiếng lòng chân thật, những âm vang của lý tưởng cao cả vọng về, biểu tượng cảm xúc tuyệt vời lan tỏa, những ẩn mang sâu sắc tràn ngập trên từng cuộc lữ.

 

Thơ Thanh Trí Cao, từng bước đưa ta đi vào cảnh giới thi ca đong đầy hương sắc, với quyền năng và sự sáng tạo bất tận. Dẫn ta đến thế giới muôn màu, ở đó tâm thức bừng dậy nở hoa điểm tô hương sắc cho đời.Từ biên giới cảm xúc thường tình, đến mé bờ lắng đọng trùm khắp, những trải nghiệm mới lạ tuyệt vời, cứ thế liên tục đánh động vào tận cùng tâm thức. Phô diễn thiền thi mở ra trên từng đường nét, thể nhập trọn vẹn vào dòng chuyển lưu, tâm cảnh miên man bừng dậy đêm ngày nhịp bước, vỗ cánh tung bay vào từng không tịch lặng.

 

Ở đó, ngôn ngữ không còn là ngôn ngữ, mà trở thành chất liệu truyền dẫn năng lực vô biên, trong sự tỏa sáng không cùng của tuệ giác. Ở đó, cảm xúc không đơn thuần là xúc cảm thông tục, mà là sự trổi dậy lớn mạnh không biên giới của tâm thức, mang hương lạ nét riêng dâng hiến đến cho đời.

 

Thơ và thơ, bến đậu ân tình

 

Thơ thức dậy trong miên trường cô tịch, những rung động mãnh liệt thấm sâu vào hồn, quyện chặt vào thơ, lan tỏa trên mọi lối đi về. Thâm nhập vào giai tầng cao độ của tâm cảnh, thiên nhiên, con người, những lắng đọng tinh khôi cứ thế tuôn trào, vượt thời gian không gian, ngôn ngữ thi ca đến với vô cùng.

Thơ Thanh Trí Cao, có khi nhẹ nhàng lâng lâng siêu thoát, có lúc cuồn cuộn như sóng vỗ, quét sạch mọi chướng duyên nghịch cảnh, thăng hoa tâm thức, làm mới cuộc hành trình.

 

Những phút giây lắng đọng bùng lên gõ nhịp, hạt giống lành từ thuở vô biên kết nụ nở hoa, tung ra những vần thơ đi mãi trong không cùng. Rồi những lúc cả càn khôn bừng nắng dậy, cả ngàn sau hương sắc khó phai mờ. Nghe đâu đây tiếng vọng trùng dương vang dội, ngoài hiên kia vạt nắng đọng thềm hoa.

 

Mỗi lúc, mỗi độ, mỗi buổi, mỗi chiều, thơ với thơ. Trên kia, ngó lại, nhìn quanh, ngập lối, một mùi hương đạo vị. Đêm nay, đêm mai, ngàn sao lấp lánh, ai về ai ở. Ngày kia, mốt nọ, muôn phương lối về, ai đợi ai chờ. Nghe gió thoảng cung đàn ly biệt, từng âm vang điệp khúc quyện vào hồn.Tìm lại vầng trăng tự thuở muôn xưa, thấy lại ánh dương quang tháng năm chưa hề phai nhòa.

 

Tất cả giai điệu bừng dậy, lũ lượt vượt thời không, cái ấn nhẹ tay trên lối về hoa nở, thơ và thơ cứ thế dâng trào.  Hương sắc nở rộ trên miền tịch lặng, vần thơ kia thơm ngát cõi vô thường. Ta nhẹ bước đi vào cõi thơ ấy, với con tim tràn ngập tấm chân tình.

 

Ta thử đọc bài thơ “Ân tình thi ca” Thi sĩ Thanh Trí Cao kính tặng cố thi sĩ Bùi Giáng có đoạn:

Vầng trăng đứng đợi bên hiên

Giáng ơi! Tôi nhớ người điên phiêu bồng

Sài Gòn bến đục bến trong

Long Huê khắc kỷ nỗi lòng Dị Nhân

Yêu thương âm hưởng vô ngần

Giáng ơi! chiếc áo phong trần nắng mưa

Còn đây nét đẹp diễm xưa

Giáng ơi! Ngôn ngữ đong đưa giọt buồn

Lang thang con nước mưa nguồn

Linh đinh giọt nắng tròn vuông tuyệt vời”….

 

Lời thơ đẹp mượt mà, dù thời giantrôi qua, người còn kẻ mất, nhưng ân tình đó vẫn theo đuổi qua bao năm tháng, vẫn đầy áp nơi cõi dung tạm. Ân tình vẹn nghĩa của hai tâm hồn đồng cảm, đã từng có dịp san sớt sẻ chia. Chiếc áo phong sương bụi đường, chiếc áo lang thang che nắng che mưa, chiếc áo thời gian soi bóng một thuở.

 

Dòng sông xưa, dòng sông bây giờ, dòng sông ân tình vẫn còn đó, vẫn miệt mài tuôn chảy, vẫn đong đầy trong tấc dạ chưa hề vơi.

 

Trân quý chìa khóa anh trao

Tôi mở cánh cửa nâng cao ân tình

Nguồn thơ vời vợi minh linh

Dòng sông thơ mộng hồi sinh âm thầm”…

 

Trong bài thơ “Rực rỡ cánh hoa đào” kính tặng bậc thầy thông tuệ Tuệ Sỹ có đoạn:

 

Từ dạo ấy mưa rừng rỉ rả

Suối nguồn kia thầm lặng ra khơi

Vùng trời lạnh chút gì lưu luyến

Đá nằm yên đá cũng chờ thời”.

 

Cho dù có kiên cường vững chãi, nhưng ở vào thời thế nhiễu nhương, lòng người ly tán, thì khó mà làm đổi thay một sớm một chiều. Chỉ có con tim tấc dạ, lúc nào cũng tràn đầy sức sống hiến dâng phụng sự, là suối nguồn vi diệu không bao giờ cạn kiệt.

 

“Đêm sâu lắng niềm riêng độc ẩm

Gió Xuân về gõ cửa thi nhân

Người trở giấc chút hờn len lõi

Niềm cô đơn lay động vết hằn”…

Đêm ấy, gió xuân mơn man trên từng nỗi vắng, chỉ riêng mình ta độc ẩm đối diện với chính mình. Nghe mùa xuân trở mình thức dậy, mùa của tin yêu hy vọng, của sum họp trông ngóng đợi chờ, mùa của thi nhân nhắn gởi cho đời những hương lạ và gió thơm. 

 

“Mắt thi sĩ ẩn tàng chứng tích

Cố nhân ơi! Cảm xúc lạnh lùng

Dòng lịch sử thăng trầm trăn trở

Quê hương tôi những đấng anh hùng”.

 

Trong sự vây kín của thời gian những dấu chôn trở thành niềm riêng khắc khoải. Những chứng tích thời gian, vết hằn trăn trở theo năm tháng trong con người thi sỹ lại là nỗi niềm chung, một cảnh ngộ mà chỉ có người trong cuộc mới đồng cảm.

 

“Người nhập định hương thiền tản mạn

Tình tự thay am ngủ trong mây

Đồi hoang vắng yêu chàng tri kỷ

Cội mai già lưu luyến ánh trăng đầy”…

 

Trên đỉnh cao bình yên ngự mãi, tâm an tịnh lắng đọng toả hương thiền thơm bất diệt. Cội mai già trơ gan cùng đất trời năm tháng, vẫn kết nụ đơm hoa mang đến cho đời hương sắc. Mấy độ mấy mùa hoa vẫn nở, thu sang xuân đến hoa nở rồi tàn. Cõi lòng ấy tâm ấy, vẫn như vầng trăng lồng lộng đậu bến ân tình.